Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thư viện di động chạm đến trái tim của những người tị nạn

Giữa sự nhàm chán và bẩn thỉu của các trại tị nạn ở Hy Lạp, những cuốn sách của thư viện Echo như một luồng gió mới mang đến chút bình yên, thoải mái cho những con người nơi đây.

Echo là một thư viện di động, nằm trên một chiếc xe tải minivan với giá sách DIY, di chuyển khắp các trại tị nạn ở Hy Lạp. Thủ thư của thư viện đặc biệt này là Keira Dignan, một tình nguyện viên 24 tuổi.

Hiện tại, có khoảng 90.000 người tị nạn và di cư ở Hy Lạp và con số không ngừng gia tăng. Đặc biệt là sau quyết định mở cửa biên giới của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gần đây.

Rong ruổi giữa những trại tị nạn nghèo khó

Thư viện Echo được thành lập vào năm 2016, trong khoảng thời gian cao điểm của cuộc khủng hoảng tị nạn ở khu vực. Nằm gọn trong một chiếc xe tải, thư viện di động này đã đi qua nhiều trại tị nạn khác nhau, mang đến những niềm vui nhỏ bé nhưng ý nghĩa cho những người di cư và tị nạn.

thu vien Echo anh 1

Thư viện Echo dừng tại trại tị nạn ở Malakasa. Ảnh: Echo for Refugees.

Đội tình nguyện viên thành lập thư viện gồm 15 người với các hoạt động quyên góp nhằm duy trì và phát triển thư viện. Khoản tiền quyên góp được sử dụng vào việc mua sách cũng như trả tiền nhiên liệu cho chiếc xe. Mỗi năm, chi phí để duy trì hoạt động của thư viện có thể lên tới 13.000 bảng Anh. Hiện tại, Keira Dignan là người quản lý trực tiếp của thư viện, cô đã tình nguyện làm công việc này ngay sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2018.

Thư viện Echo chào đón mọi vị khách

Băng qua những con đường, thư viện di động dừng lại trên một khoảng sân lớn, bụi bặm. Được biết, nơi đây từng là một nhà máy nhưng đã đóng cửa và hiện tại được biết đến với tên gọi là Oinofyta, một trại tị nạn được phân thành 2 khu vực gồm người Afghanistan và người Kurd Syria. Trại tị nạn này là nơi sinh sống của khoảng 500 người, trong đó có những người mới đến và cả những người đã sinh sống ở đó một thời gian dài.

thu vien Echo anh 2
Nội thất bên trong thư viện di động Echo. Ảnh: Keoma Zec.

Thư viện Echo xuất hiện khiến một đám trẻ nhỏ tò mò tụ tập bên ngoài. Chúng háo hức khi được giấy bút từ những tình nguyện viên của thư viện sau đó sáng tạo những gì chúng muốn.

Bên trong nhà máy, khoảng trống lớn được chia thành những ngôi nhà. Ở một góc khác có một quầy hàng nhỏ bày bán một vài món đồ thiết yếu. Ngoài ra, ở đây cũng có một quầy bar phục vụ những lon nước ngọt mát lạnh, nhưng đắt đỏ đối với đa số những người dân tị nạn ở đây.

Ngồi trong một quán cà phê ở trạm xăng, những tình nguyện viên của thư viện quan sát lũ trẻ và lo lắng về tương lai vô định của chúng.

Sau chuyến dừng chân tại Oinofyta, thư viện Echo di chuyển đến Malakasa, một trại tị nạn khác, nằm ngay trước một ngọn núi lớn. Mọi người ở đây dường như hứng thú với thư viện hơn ở Oinofyta.

Thư viện dừng lại dưới bóng râm của một cây lớn và mở cửa đón chào những độc giả của mình. Tại đây, nhiều gia đình, trong đó chủ yếu là người Iran, đưa con cái của mình tới thư viện để mượn sách và đọc cho chúng nghe. Nếu nhìn gần, khung cảnh ấy dễ khiến người ta liên tưởng tới những chuyến dã ngoại, khi cha mẹ và con cái thảnh thơi, thư giãn, cùng nhau tìm hiểu những câu chuyện hấp dẫn trên từng trang sách. Đây được xem như khoảng thời gian có ích ít ỏi trong ngày của những người đang sinh sống trong những trại tị nạn.

Ở châu Âu, trong các trại tị nạn, cuộc sống bị lãng phí, từng giờ, từng ngày, từng tháng. Hơn thế, điều đáng lo ngại nhất là theo số liệu của EU thống kê, có chưa tới một nửa số trẻ em sống tại các trại tị nạn ở Hy Lạp được tới trường. Đây quả là một điều đáng buồn mà bất cứ ai cũng không mong muốn, đặc biệt là những tình nguyện viên của thư viện Echo.

Những niềm vui bé nhỏ

Dù thực tế cuộc sống khắc nghiệt và mỗi ngày hầu hết là những câu chuyện không vui vẻ về cuộc sống khó khăn của những người sống ở các trại tị nạn, nhưng cũng có những câu chuyện đặc biệt mà Dignan không thể quên.

thu vien Echo anh 3

Một người đàn ông đang tìm sách tại thư viện Echo. Ảnh: Keoma Zec.


Dignan kể rằng mình đã gặp một gia đình nói tiếng Urdu và người mẹ đã tìm đọc mọi cuốn sách tiếng Urdu mà thư viện có. Chính vì vậy, khi có dịp đến London, Dignan đã đi khắp nơi để tìm sách tiếng Urdu và cuối cùng đã tìm được một cuốn.

Thế nhưng, ngay khi quay lại Hy Lạp, cô lại nhận được thông tin đau lòng rằng gia đình nói tiếng Urdu kia đã bị đuổi khỏi trại tị nạn, khiến trái tim cô như rơi khỏi lồng ngực. Cô nói mình bị ám ảnh bởi khung cảnh những đứa trẻ khóc nấc lên ở những trại tị nạn.

Thế nhưng, điều đặc biệt là trong một chuyến thăm thường lệ đến một trại tị nạn khác, Dignan và những cộng sự đã tìm thấy gia đình nói tiếng Urdu. Dignan nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc khi các thành viên trong gia đình nhìn thấy chiếc xe, họ đã ôm nhau, la hét trong vui sướng. Còn những tình nguyện viên của thư viện di động Echo nói “Đến đây, chúng tôi có sách tiếng Urdu”.

Hiện tại, ngoài việc di chuyển liên tục giữa các trại tị nạn ở Hy Lạp, các tình nguyện viên của dự án thư viện Echo còn cung cấp các hoạt động giáo dục dành cho trẻ em, cũng như các lớp dạy tiếng Hy Lạp và tiếng Anh cho người lớn ở các trại tị nạn. Bên cạnh đó, thư viện cũng sẵn sàng tiếp nhận mọi sự giúp đỡ cũng như đóng góp của mọi người nhằm giúp thư viện Echo trở thành một trung tâm cộng đồng lớn và hữu ích.

Oanh Vũ

Bạn có thể quan tâm