Thư viện của trường THCS Tùng Thiện Vương (TP.HCM) là một trong số ít các thư viện trong trường học được đầu tư bài bản, có nhiều hoạt động bổ ích.
|
Trước đây, cũng như nhiều trường học khác, thư viện của trường THCS Tùng Thiện Vương (quận 8) chỉ vỏn vẹn là một căn phòng nhỏ, được tận dụng từ một phòng học, với diện tích hẹp cùng số lượng đầu sách hạn chế. |
|
Tuy nhiên, cách đây 10 năm, kể từ khi trường có thủ thư mới, phụ trách toàn thời gian công việc quản lý thư viện, và được sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, thư viện của trường THCS Tùng Thiện Vương đã được đầu tư nhiều hơn, với số lượng đầu sách tăng lên đáng kể (trung bình tăng 1.000 cuốn mỗi năm), và không gian thư viện cũng được mở rộng hơn gấp đôi. |
|
Sự biến chuyển tích cực này đến từ cô Lê Thị Hương - thủ thư tại trường. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Khoa Thư viện thông tin trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, cô Hương về trường THCS Tùng Thiện Vương, phụ trách công việc quản lý thư viện toàn thời gian tại đây. |
|
Vào thời điểm này, thư viện của trường vừa thiếu sách, vừa nhỏ. Chính vì thế, văn hoá đọc sách và thói quen đến thư viện của các em học sinh tại trường dường như không tồn tại. |
|
Trước thực trạng này, cô Hương đã có rất nhiều nỗ lực, tổ chức nhiều hoạt động nhằm biến đổi thư viện và nâng cao văn hoá đọc sách cho các em học sinh, với mục tiêu thư viện phải là nơi các em học sinh ghé thăm thường xuyên sau lớp học, và văn hoá đọc phải là cột trụ vững chắc trong hành trình giáo dục toàn diện con người. |
|
Xuất phát từ mục tiêu đó, cùng với nhận thức rằng muốn các em học sinh ham mê đọc sách, trước hết, sách được giới thiệu phải trực quan, nhiều màu sắc để tạo hứng thú đọc, cô Hương đã tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích các em học sinh đọc sách bằng hai phương pháp chính là trực quan và tuyên truyền. |
|
Trong đó, với phương pháp trực quan, bằng đồng lương thủ thư ít ỏi của mình, cô Hương đã tình nguyện trích một phần ra để mua giấy màu, bảng con, hồ dán... rồi tự tay cắt dán, tạo những tấm bảng trang trí giới thiệu sách theo chủ đề, hoặc trích dẫn những câu hay trong sách... để học sinh cảm thấy tò mò, hứng thú và muốn mang sách xuống đọc ngay. |
|
Với nỗ lực này của cô Hương, sau quá trình 10 năm, thư viện của trường đã ngập tràn sắc màu với chi chít những bảng trang trí giới thiệu sách sinh động, tạo thành một không gian hấp dẫn cho các em học sinh đang theo học tại trường. |
|
Ngoài ra, phương pháp thứ hai được cô Hương áp dụng là phương pháp tuyên truyền. Thông qua sự phối hợp với Ban Giám hiệu và các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cô Hương đã đã tổ chức nhiều cuộc thi kể chuyện theo sách, thi thiết kế bìa sách, thi viết, trang trí nhật ký đọc sách, thi làm bookmark cho sách... |
|
Với công sức ròng rã 10 năm trời, tính đến nay, các tác phẩm của các em học sinh thực hiện thông qua các cuộc thi đều được cô Hương gìn giữ cẩn thận và xem như là một tài sản quý của thư viện. |
|
Nhiều tác phẩm được làm bởi các em học sinh còn độ tuổi trung học thể hiện được sự khéo tay, sáng tạo, kì công và tình yêu dành cho sách cũng như đối với văn hoá đọc. |
|
Tất cả những hoạt động trên được cô Hương thực hiện nhằm một mục đích duy nhất, là biến thư viện thành một nơi không phải chỉ để đọc sách trong giờ ra chơi, mà còn là một nơi để giải trí, học tập. |
|
Theo cô Hương chia sẻ, nhiều em đã xem thư viện như một ngôi nhà thân thuộc, thường xuyên đến đây vào giờ nghỉ trưa để đọc sách hoặc tự học. Cô còn cho biết thêm, phong trào đọc sách ở nhà trường hiện khá tốt, tuy nhiên, phần nhiều các em vẫn còn đọc sách truyện tranh để giải trí, và lượng học sinh tìm sách để học tập, tham khảo đa phần là các học sinh giỏi. Số lượng học sinh mượn sách về nhà đọc khoảng 10%. |
|
Nhận xét về thực trạng chung của chức vụ thủ thư tại các trường học trên địa bàn thành phố, cô Hương cho hay, do chế độ đãi ngộ thấp nên hiện tại số lượng thủ thư toàn thời gian như cô là rất ít, và đa số là người giữ chức vụ kiêm nhiệm, vừa dạy học, vừa quản lý thư viện. Để duy trì công việc này trong 10 năm vừa qua, ngoài nhiệt huyết với nghề, cô Hương còn phải rất "thương học sinh, và xem thư viện như ngôi nhà, dành nhiều tình cảm vì nơi đây bình yên, không xô bồ, phức tạp như môi trường bên ngoài xã hội." |
|
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi trong ngần ấy thời gian, cô Hương đã giành được rất nhiều tình cảm không chỉ từ học sinh mà còn của các giáo viên khác trong trường. Mỗi khi đến ngày lễ, hoặc trong lớp có các tiệc sinh nhật, thầy cô và giáo viên trong trường thường mang quà sang thư viện để gửi tặng cô Hương, như một cách để bày tỏ tình cảm và sự trân trọng đối với công việc của cô. |
thư viện đầy sắc màu của cô thủ thư ở sài gòn
thư viện
trường thcs tùng thiện vương
thư viện trường học
văn hoá đọc
văn hoá đọc trong trường học