Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 4/7 khép lại với 15 ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương, 7 bộ trưởng báo cáo về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý và phần phát biểu của 2 phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng.
Số kiến nghị tại hội nghị lên tới 76 vấn đề, số kiến nghị từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố có 367 vấn đề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu. |
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Văn phòng Chính phủ ghi chép, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, việc gì cần Thủ tướng chỉ đạo thì báo cáo Thủ tướng, việc gì thuộc bộ thì giao bộ xử lý,
"Không để ý kiến của địa phương, của các bộ được nghe nhưng không được trả lời", Thủ tướng yêu cầu.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra các rủi ro, thách thức cần lưu ý.
Trước hết là kinh tế thế giới nhiều rủi ro, các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại, áp lực lạm phát còn hiện hữu, giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA vẫn là điểm nghẽn.
“Tất cả bộ trưởng, chủ tịch, cơ quan thuộc Chính phủ đều phải kiểm điểm việc này và sẽ có chế tài nghiêm để xử lý vấn đề giải ngân”, Thủ tướng quán triệt.
Nêu rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Thủ tướng cho rằng cần theo dõi, phối hợp, có động thái chính sách nhằm hạn chế tối đa rủi ro.
Dù đối mặt nhiều khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, điều hành nhất quán của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
“Vì thế, dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao cho các đồng chí”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Trong nhiều vấn đề “nóng”, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm đánh giá biểu giá điện, phương thức tính giá, để đề xuất giải pháp phù hợp nhất là đối với người dân.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc bảo đảm nguồn cung ứng bởi “điện không chỉ là kinh tế, nếu mất điện sẽ thành vấn đề chính trị, an ninh trật tự”. Vì thế, vấn đề này cần lo ngay từ bây giờ chứ không để đến năm 2022-2023.
Nhấn mạnh việc xây dựng thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Thủ tướng cảnh báo một số địa phương còn chạy theo phát triển kinh tế; đồng thời, không chỉ lo kinh tế, lo tăng trưởng mà phải bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề xã hội, bảo đảm tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.