Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và khẩn trương phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2024 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước ngày 31/12.
Đồng thời Thủ tướng yêu cầu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động.
"Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Tài chính được yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cùng với các cơ quan liên quan về quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu công khai, minh bạch, hiệu quả.
Ngoài ra, giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu thực hiện nghiêm quy định tại các Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án cung ứng đủ nguồn xăng dầu cho thị trường, duy trì hoạt động liên tục trong dịp nghỉ lễ, Tết. Ảnh: Phạm Thắng. |
Hơn nữa, Thủ tướng cũng yêu cầu có các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường, trong bối cảnh giá và nguồn cung có thể ảnh hưởng khi thị trường thế giới dự báo phức tạp. Các thương nhân, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ phải có phương án đủ nguồn hàng cho thị trường; duy trì hoạt động liên tục nhất là trước và trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
"Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn điện tử…", Thủ tướng chỉ đạo.
Đến hết quý III, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư hơn 7.058 tỷ đồng. Trước đó, tháng 7 vừa qua, Công ty Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp chuyển nộp toàn bộ tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách Nhà nước.
Đến tháng 9, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước tại Xuyên Việt Oil cùng một số cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngoài nợ thuế hơn 1.500 tỷ đồng, tính đến 31/3, Xuyên Việt Oil còn 219,9 tỷ đồng chưa chuyển vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...