Chiều 3/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly trong xã hội.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng thông tin nhiều nước đang triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt trong chống dịch. Như sáng nay, Thủ tướng Thái Lan ra lệnh giới nghiêm; một số nước ra lệnh phong tỏa; Nga đưa ra chế tài, phạt rất nặng...
Nhấn mạnh không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16, Thủ tướng nêu rõ không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của Chỉ thị 16 mà cần thực hiện nghiêm hơn.
Phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 3/4. Ảnh: VGP. |
Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, có nhiều ca mắc dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị. Việc cách ly cần tiếp tục thực hiện nghiêm.
Nhưng người đứng đầu Chính phủ đánh giá một số địa phương vừa qua vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai. "Chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội”, Thủ tướng nói.
Dẫn kinh nghiệm được rút ra từ nhiều nước, Thủ tướng cho rằng nơi nào chống dịch kiên quyết thì sau đó kinh tế phát triển, còn nếu để dịch tràn lan, gây hại lớn thì sau đó kinh tế sẽ khó phục hồi.
Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ quán triệt đây là giai đoạn cần huy động tổng lực trong phòng chống dịch, cần phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn hơn để tạo nên sức mạnh.
Biểu dương Hà Nội bố trí khách sạn để cách ly các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Thủ tướng lưu ý cần quan tâm đặc biệt đến đội ngũ trực tiếp chống dịch, nhất là các y bác sĩ, cả về vật chất và tinh thần.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, thế giới ghi nhận vượt con số 1 triệu người mắc tại 206 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ là quốc gia đầu tiên có số mắc trên 200.000 người, 2 quốc gia có trên 100.000 trường hợp mắc là Italy, Tây Ban Nha. Toàn cầu đã ghi nhận 53.200 trường hợp tử vong, trong đó 10 quốc gia có trên 1.000 trường hợp tử vong.
Tính đến 11h ngày 3/4, Việt Nam ghi nhận 233 trường hợp mắc, trong đó 42 trường hợp liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (27 trường hợp là nhân viên Công ty Trường Sinh); 16 trường hợp liên quan tới quán Bar Buddha (TPHCM).
Trong tổng số ca mắc, số ca phát hiện sau nhập cảnh là 114 (48,9%), số nhập cảnh được phát hiện tại cộng đồng 34 (14,6%), số ca lây nhiễm từ ca bệnh xâm nhập 28 (12%), số ca phát hiện tại cộng đồng 57 (24,5%).
Có 85 trường hợp đã khỏi bệnh, còn lại 148 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 2 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 46 trường hợp xét nghiệm âm tính lần 1, có 21 ca âm tính lần 2.
Về kết quả rà soát các trường hợp có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, đến 18h ngày 2/4 đã rà soát 44.474 người. Các trường hợp này đã được các địa phương giám sát, thực hiện cách ly tại nhà hoặc tập trung cho một số đối tượng.
Riêng đối với Hà Nội, số liệu báo cáo cho thấy thời điểm 12h ngày 2/4, các đơn vị đã rà soát được 21.956 người có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai.
Ban Chỉ đạo quốc gia cho biết với các ca xâm nhập đã dừng cấp visa, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh… ngăn chặn được 918 trường hợp lây lan trong cộng đồng.
Chính sách cách ly toàn xã hội về thực chất là giãn cách xã hội được nhiều nước áp dụng để ngăn chặn các trường hợp xâm nhập đã bị bỏ sót. Ở các nước áp dụng chính sách này khi phát hiện trên 50 trường hợp nhưng không còn khả năng ngăn chặn. Còn Việt Nam áp dụng khi ca nhiễm dưới 20 trường hợp nhiễm trong một ngày. Đây được đánh giá là chính sách phù hợp, kịp thời để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng giải thích rõ hơn yêu cầu "cách ly xã hội". Theo Thủ tướng, đây là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh. Đây không phải là phong tỏa, ngăn cấm giao thông mà chỉ hạn chế.
Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế việc lây nhiễm ra cộng đồng - tình thế một số nước đã vấp phải.
“Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nói.