Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Các giải pháp mới nhất mang tính 'tiền khẩn cấp'

"Chúng ta không mong tình huống xấu xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì phải ứng phó chủ động hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân", Thủ tướng chỉ đạo.

Chiều 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về những nội dung quan trọng như các kịch bản ứng phó dịch Covid-19, chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch và một số vấn đề khác.

Về các kịch bản ứng phó dịch, Thủ tướng đề nghị bàn về việc trong tình huống xấu nhất, phương án của Chính phủ là gì để không bị động, đặc biệt là phương án về huy động nguồn lực và các biện pháp cần thiết khác.

cac kich ban ung pho dich Covid-19 anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

"Chúng ta không mong tình huống xấu này xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì phải ứng phó chủ động hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã khẳng định, các giải pháp mới nhất (theo Chỉ thị 16 vừa ban hành) mang tính “tiền khẩn cấp”, là để giãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Đại diện Bộ Y tế đã báo cáo về các tình huống, cấp độ bùng phát của dịch và các kịch bản triển khai với mỗi tình huống này, trong đó, lường trước cả tình huống xấu nhất.

Ngoài ứng phó với dịch, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp, nếu không chủ động giải quyết vấn đề này thì sẽ rất khó khăn cho đất nước.

"Đây là vấn đề cấp bách, vì mấy tháng qua, nhiều người khổ lắm, nhất là thất nghiệp, không có việc làm, nhiều gia đình rất khó khăn", Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ thấu hiểu được vấn đề này của người dân, của công nhân, viên chức…

Vì thế, Thủ tướng đề nghị tập trung bàn về đối tượng, mức hỗ trợ và nguồn lực thực hiện, từ đó, sẽ báo cáo vấn đề quan trọng này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày mai (1/4).

Trước khi cuộc họp này diễn ra vài tiếng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 16 với hàng loạt giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó có cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc; yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế việc di chuyển giữa các địa bàn; các cơ quan Nhà nước cho cán bộ làm việc tại nhà, thật sự cần thiết mới đến công sở.

Cùng với đó, tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại từ 0h ngày 1/4 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia; tập trung dồn mọi nguồn lực xử lý, kiểm soát các ổ dịch trong nước như ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TP.HCM)...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cách ly xã hội không phải phong tỏa đất nước

Theo lý giải của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các giải pháp về cách ly xã hội mới là dự lệnh, khuyến cáo, chưa phải lệnh cấm. Việc này cũng không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm