Trong tháng 8, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra chuyên đề tại 4 Tổng công ty gồm: Đường sắt Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Hàng không Việt Nam. Ngoài ra, một cuộc kiểm tra đối với các Bộ liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng được tiến hành.
Khắc phục triệt để tư tưởng bao cấp, độc quyền
Khi nghe báo cáo kết quả của Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Đường sắt Việt Nam phải mạnh dạn thay đổi tư duy, khắc phục triệt để tư tưởng bao cấp, độc quyền của ngành đường sắt.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để thay đổi mô hình quản lý, đổi mới công tác quản trị, tạo đột phá trong kinh doanh.
Doanh nghiệp này cần tái cơ cấu theo hướng năng động, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường, cơ chế tự chủ của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế...
Đối với 3 tổng công ty thuộc ngành Hàng không, Thủ tướng yêu hoàn thành các nhiệm vụ được giao và không để phát sinh nhiệm vụ quá hạn. Thủ tướng cũng yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhất là chi phí gián tiếp để giảm giá vé, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng tỷ suất lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Tốn 14.000 tỷ để thực hiện các quy định, thủ tục về kiểm tra chuyên ngành
Tổ công tác của Thủ tướng chỉ ra hiện nay có tới 58% các mặt hàng phải thực hiện 2-3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Có khoảng gần 100.000 nghìn mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Ngoài ra, phương pháp kiểm tra chưa theo chuẩn mực quốc tế làm kéo dài thời gian thông quan.
Tổ công tác cho biết việc kiểm tra chuyên ngành nhiều gây khó khăn, phiền hà, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14.000 tỷ đồng để thực hiện các quy định, thủ tục về kiểm tra chuyên ngành.
Thủ tướng yêu cầu cần quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, rút gọn quy trình, thủ tục, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện và thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Các bộ ngành cần kiên quyết cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục, quy trình, giấy tờ không cần thiết nhằm cắt giảm thời gian, chí phí.
Nhiều bộ ngành còn độc quyền trong kiểm tra hàng hóa chuyên ngành. Ảnh: Báo Hải Quan. |
Các bộ ngành cần công bố công khai quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, phương thức kiểm tra chuyên ngành đối với từng mặt hàng.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết cần đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các cơ quan trong nước. Ngoài ra có thể công nhận chất lượng hàng hóa giữa các nước, nhất là nguồn gốc từ các nước phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh cần chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận kiểm tra chất lượng).
"Thay bằng việc chỉ định duy nhất một đơn vị đánh giá sự phù phù hợp, các bộ khẩn trương rà soát, chỉ định bổ sung nhiều đơn vị đánh giá sự phù hợp để tạo thuận lợi giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp", Thủ tướng nói.