TS. Nguyễn Đình Cung cho biết ông đã có dịp tham dự hai lần hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Theo đó, ngoài có sự khác biệt về số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia thì những vẫn đề năm nay đã đỡ gay gắt hơn năm ngoái. Những bức xúc của doanh nghiệp tại hội nghị năm 2016 như được “dồn nén” trong nhiều năm liền trước đó.
Một hay vài chỉ thị chỉ mang tính ngắn hạn
Ông Cung đánh giá Chính phủ đã tập trung hơn vào những vấn đề trọng tâm, đặc biệt là giảm việc thanh, kiểm tra doanh nghiệp. Chỉ thị 20 của Chính phủ được ký ngay tại hội nghị là hoàn toàn đúng đắn bởi thanh tra, kiểm tra nhiều làm cho doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và chi phí.
Trong khi đó, chi phí là vấn đề mà doanh nghiệp nào cũng quan tâm, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, năng lực cạnh tranh, đầu tư, tăng trưởng… Ông Cung cũng bày tỏ giá như Thủ tướng có thêm chỉ thị về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thì thực sự để lại dấu ấn.
Tuy nhiên, ông Cung nhấn mạnh việc ra một hay vài chỉ thị chỉ mang tính chất ngắn hạn, cái chính là cần thay đổi bộ máy thanh tra kiểm tra.
Theo ông Cung, nền kinh tế thị trường không có bộ máy thanh tra như ở Việt Nam. Họ để thị trường vận hành. Nhà nước chỉ đóng vai trò là người kiểm soát. Mà chỉ kiểm soát những lĩnh vực có độc quyền, bảo vệ môi trường, vấn đề phức tạp… Còn lại có các lĩnh vực khác là không cần có thanh tra.
"Tại sao Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, ý nghĩa như vậy mà các bộ trưởng không vào cuộc, không thực hiện?"
Các nước chủ yếu thực hiện hậu kiểm theo mức độ tuân thủ và rủi ro. Chỉ tập trung vào những DN có khả năng vi phạm nhiều, có rủi ro với xã hội. Các nước đã có một hệ thống thông tin về các vấn đè giám sát như qua ngân hàng, công nghệ thông tin…
Ông Cung cho rằng cái chính là cần thay đổi thể chế, vận hành nền kinh tế thị trường. Muốn giảm chi phí, doanh nghiệp cũng phải làm như vậy. Giảm chi phí phải xuất phát từ quy định của pháp luật, thái độ công chức, công cụ của nhà nươc. Chính việc phụ thuộc vào kiểu tiền kiềm như chúng ta làm xuất hiện cơ chế xin cho, thân hữu…
Bộ trưởng phải là người khát khao đưa ngành mình thay đổi, đưa đất nước mình thay đổi
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng Chính phủ có thể hành động ngay để cắt giảm cản trở cho doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhắc đến những việc “trong tầm tay” và Chính phủ có thể làm ngay giúp doanh nghiệp, ông Cung dẫn ví dụ đến tinh thần của người đứng đầu và giảm các thủ tục đang làm cản trở doanh nghiệp.
Về tinh thần của người đứng đầu, ông Cung thắc mắc tại sao chúng ta là một dân tộc không có khát khao phát triển. Theo ông, khát khao đó phải nằm đầu tiên ở người lãnh đạo.
Trong bối cảnh hiện nay, một bộ trưởng cần tự nhận thức sự thua kém so với dân tộc khác, cần coi đó là động lực thúc đẩy để hành động để tiến kịp, thu hẹp khoảng cách.
Ông Cung thắc mắc tại sao việc Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, ý nghĩa như vậy mà các bộ trưởng không vào cuộc, không thực hiện? Khi bộ trưởng chưa thực sự vào cuộc thì cấp dưới vẫn thờ ơ. Bộ trưởng phải có một tham vọng thay đổi, cải cách phát triển. Bộ trưởng phải là người khát khao đưa ngành mình thay đổi, đưa đất nước mình thay đổi.
"Cần phải cạnh tranh, tự do và tự do hơn, thị trường phải thị trường hơn, an toàn phải an toàn hơn".
Về vấn đề giảm các thủ tục cản trở doanh nghiệp, ông Cung lấy ví dụ về các chi phí vận tải đường bộ. Vận chuyển hàng hóa từ Hải Phòng về Hà Nội cao hơn từ Trung Quốc về, vận tải từ Hải Phòng đi Nhật Bản tốn gấp gần 6 lần từ Quảng Châu.
“Chúng ta hoàn toàn có thể cải cách thủ tục vận tải, thông quan, hoặc các chính sách liên quan để giảm phí cho doanh nghiệp” ông Cung nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cho biết việc kiểm tra, kiểm nghiệm chuyên ngành tại cảng đang chiếm 30-35% hồ sơ xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Nếu giảm xuống 10-15% thì tiết kiệm cho nền kinh tế hàng tỷ USD. Doanh nghiệp mất nhiều thời gian và tiền bạc làm nhiều hồ sơ, giấy tờ kiểm tra, kiểm định, kiểm nghiệm rất đắt đỏ.
Tự do và tự do hơn, thị trường phải thị trường hơn, an toàn phải an toàn hơn
Nói về động lực phát triển cho đội ngũ doanh nghiệp tư nhân hiện nay, ông Cung nhấn mạnh đến tính thị trường của nền kinh tế. Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa. Cần phải cạnh tranh, tự do và tự do hơn, thị trường phải thị trường hơn, an toàn phải an toàn hơn.
Kinh tế thị trường sẽ phân bổ lại nguồn lực theo hướng phát tạo điều kiện cho những doanh nghiệp thực sự muốn làm, có khát vọng, có mong muốn phát triển.
Theo đó nên thu hẹp chức năng và vai trò của Nhà nước. Nguồn lực của Nhà nước thu hẹp lại thì dẫn dần làm mờ nhạt cơ chế xin cho. Chính cơ chế xin cho đang làm ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thị trường. Nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không bình đẳng, đầu tư vào quan hệ hơn là đầu tư vào kinh doanh, sản xuất.
“Với cơ chế xin cho, người nào biết xin thì được nhiều, phụ thuộc vào năng lực đi xin. Nó không phụ thuộc vào tài năng, sáng kiến, mức độ cạnh tranh”, ông Cung nhấn mạnh.
Viện trưởng CIEM cũng nhấn mạnh phải tạo cơ chế thị trường với đất đai, vốn, lao động, khoa học, công nghệ… Trong đó, hai thị trường quan trọng nhất là đất đai và vốn. Nếu hai thị trường này chưa phát triển, nguồn lực vẫn phân bổ hành chính. Cải cách 2 cái này thì vô cùng khó. Để phát triển thị trường, nhất thiết phải bỏ cơ chế xin cho.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh một nền kinh tế không nên phụ thuộc vào một vài tập đoàn mà hãy để cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng.
Một nền kinh tế không thể lớn mạnh và phát triển bền vững khi đã nhắm trước anh thắng cuộc. Một quốc gia hùng mạnh có nhiều yếu tố cấu tạo nên, trong đó cộng đồng doanh nghiệp năng động, có năng lực cạnh tranh hơn là phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp nào đó.