Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ xử lý đơn vị, cá nhân nếu xảy ra chồng chéo trong thanh tra

Chỉ thị 20 về chấn chỉnh hoạt động thanh kiểm tra với DN vừa được Thủ tướng ký ngày 17/5, có nội dung quan trọng là xử lý nghiêm với cá nhân, tổ chức để xảy ra kiểm tra chồng chéo.

 

Trong hội nghiệp tiếp xúc với doanh ngiệp (DN) ngày 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Đây là chỉ thị được giải quyết ngay tại chỗ, chỉ sau vài giờ trình, khi cộng đồng DN phản ánh về hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế và gây phiền hà, sách nhiễu.

Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển DN và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động của Chính phủ.

chi thi moi ve thanh tra kiem tra anh 1
Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được siết chặt trong thời gian tới. Ảnh minh họa: VNN

Thời gian qua, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể…

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra.

Chỉ thị nhấn mạnh việc tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm đối với DN. Trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động Kiểm toán Nhà nước thì chủ động phối hợp.

Việc chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra phải theo đúng định hướng, kế hoạch đã phê duyệt. Nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý được giao. Các cơ quan chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết, theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định.

Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm.

Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các cơ quan có chức năng. Kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp theo thẩm quyền, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Tổng Thanh tra Chính phủ phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra theo thẩm quyền.

Cơ quan này có thể  kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Các quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.


Bình Nguyên - Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm