Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường yêu cầu quan chức địa phương phải "nói thật" về tình hình kinh tế khu vực để có thể thực hiện các bước cần thiết nhằm tạo thêm việc làm, thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng "đầu tư hiệu quả", South China Morning Post đưa tin.
Ông Lý phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến với các quan chức của 5 tỉnh hôm 20/11. Cuộc họp thảo luận về tình hình kinh tế địa phương và cách tốt nhất để hồi phục kinh tế sau đại dịch, theo thông cáo được chính phủ đăng trên mạng.
Thủ tướng Lý Khắc Cường trong cuộc họp. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Chính quyền các địa phương được yêu cầu trình bày về tổng quan tình hình kinh tế tại tỉnh mình, những gì nền kinh tế của tỉnh cần và thông tin để góp phần đánh giá nền kinh tế quốc gia.
"Chỉ khi các vị nói thật, chúng tôi mới có thể đề ra các biện pháp thiết thực", ông Lý, người được xem là cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, nói.
Ông cũng yêu cầu các quan chức tập trung vào việc ổn định việc làm, đẩy mạnh nhu cầu nội địa và tăng cường giám sát các dự án để đảm bảo "đầu tư hiệu quả".
"Ở đâu có việc làm và thu nhập, ở đó có tiêu dùng", ông nói. "Chúng ta phải tăng cường chính sách việc làm để tạo thêm nhiều việc làm".
"(Cần phải có) một bước đột phá để thúc đẩy tiêu dùng trở lại mức tăng trưởng bình thường", thủ tướng Trung Quốc nói.
Thông cáo không nhắc đến những gì các quan chức của 5 tỉnh Quảng Đông, Hắc Long Giang, Hồ Nam, Vân Nam và Sơn Đông đã nói với ông Lý trong cuộc họp.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm áp lực tài chính đối với nền kinh tế các địa phương, vốn đang phải vật lộn với nguồn thu giảm và nợ ngày càng tăng.
Ông Lý đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu kinh tế được chính quyền các địa phương cung cấp kể từ khi ông là bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh giai đoạn 2004-2007. Ông ưu tiên sử dụng các chỉ số chọn lọc như tiêu thụ điện, khối lượng hàng hóa đường sắt và cho vay ngân hàng để đánh giá hoạt động kinh tế tổng thể. Tạp chí Economist sau đó đã tạo ra cái gọi là "Chỉ số Lý Khắc Cường" dựa trên các chỉ số đó.
Theo Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, chính quyền nhiều địa phương đã vi phạm các nguyên tắc vay nợ khi huy động vốn trong những năm gần đây, bất chấp sự giám sát chặt chẽ hơn từ Bắc Kinh, dẫn đến sự tăng nhanh của cái gọi là nợ bị che giấu.
Gần đây, tình trạng vỡ nợ của các công ty do chính quyền địa phương kiểm soát cũng gây ra lo ngại về nợ ở địa phương, nhất là về việc liệu giới chức có thể hoàn trả khoản vay thông qua các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương hay không.
"Ngoài khoản nợ chính thức 25.800 tỷ nhân dân tệ (3.900 tỷ USD) của chính quyền các địa phương tính đến tháng 10/2020, còn có một lượng lớn nợ của chính quyền địa phương bị che giấu", ngân hàng Nhật Bản Nomura cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 24/11.