Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên WEF. Ảnh: VGP. |
Lúc 16h25 ngày 25/6 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam tại sân bay quốc tế Bắc Kinh có các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng Việt Nam tại Trung Quốc.
Dự kiến, trong chương trình công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường; hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội kiến Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự các phiên họp quan trọng của Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF; có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, cũng như lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc; gặp gỡ nhân sĩ, trí thức hữu nghị; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc...
Thăm chính thức Trung Quốc và dự hội nghị WEF với các hoạt động dày đặc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thông điệp rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc; mong muốn chia sẻ, cập nhật những xu thế mới, tư duy phát triển - quản trị tiên tiến và quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút đầu tư vào Việt Nam thông qua WEF.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP. |
Đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia chuyến công tác có: Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam sau 7 năm; là hoạt động gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo chủ chốt hai nước sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiện toàn các chức danh lãnh đạo nhà nước khóa mới.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước đang duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) đã tiếp động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước.
Tin cậy chính trị Việt Nam - Trung Quốc được tăng cường; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư duy trì tăng trưởng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Trong khi đó, Hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới tiếp tục phát triển tốt đẹp. Diễn đàn Kinh tế thế giới và cá nhân Giáo sư Klaus Schwab coi trọng, đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Hai bên hợp tác trong tư vấn chính sách vĩ mô, giảm rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững, thu hẹp khoảng cách kỹ năng lao động, chuyển đổi số...
Hội nghị Thường niên các nhà Tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân do Diễn đàn Kinh tế Thế giới phối hợp với Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tổ chức hằng năm, có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị thường niên tại Davos (Thụy Sỹ).
Hội nghị này có chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu" gồm hơn 100 phiên họp, thu hút nhiều nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự.
Việc tăng cường hợp tác qua các chương trình, dự án và tham dự hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, phối hợp tổ chức thành công một số sự kiện góp phần giúp Việt Nam thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, tăng cường quan hệ với nhiều tập đoàn toàn cầu, cập nhật những xu thế mới, tư duy phát triển - quản trị tiên tiến.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.