Tại phiên toàn thể của Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 sáng 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định định lại vai trò của Ủy hội trong việc thực hiện hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ của một tổ chức lưu vực sông quốc tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong 1995.
Các thành tựu trong suốt 30 năm hình thành và hoạt động của ủy hội đã và đang góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của gần 70 triệu người dân trong lưu vực.
Ảnh hưởng sinh kế 20 triệu người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức chưa từng có do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng.
Hệ quả, nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.
Những tác động tiêu cực đó ngày càng trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực hạ nguồn sông Mekong, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, sáng 5/4. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Thủ tướng dẫn lại một số nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2010-2020, tổng lượng dòng chảy lưu vực đã suy giảm 4-8%, trong khi đó các quốc gia trong lưu vực đã gia tăng sử dụng nước sông Mekong 5-12%.
Dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ du và vùng ĐBSCL vì thế sụt giảm nghiêm trọng.
Chuyên gia dự báo vào năm 2040, vùng ĐBSCL chỉ còn không tới 5 triệu tấn phù sa mỗi năm, giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm
Khu vực thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán nghiêm trọng và hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng, với phạm vi và cường độ lớn hơn so với trước đây.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, sự suy giảm dòng chảy sông Mekong do tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người.
Trong đó, các dự án phát triển thiếu bền vững ở thượng nguồn, cũng đã và đang làm thay đổi chế độ lũ ở ĐBSCL, làm giảm lượng phù sa về đồng bằng và gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển.
"Các hiện tượng trên đây được dự báo sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững ĐBSCL và sinh kế của hơn 20 triệu người dân sinh sống trong vùng", Thủ tướng nói.
Ông cũng cho biết các chuyên gia dự báo vào năm 2040, vùng ĐBSCL chỉ còn không tới 5 triệu tấn phù sa mỗi năm, giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm.
Thực tế đáng lo ngại này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá mới có thể đáp ứng được các yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay.
Đề nghị xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí với tầm nhìn và những định hướng ưu tiên được đề ra trong dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị và nhấn mạnh một số nội dung.
Cụ thể, mọi chính sách và hành động của Ủy hội và các nước thành viên cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi người dân, mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay.
Theo Thủ tướng, bài học từ đại dịch Covid-19 và biến động thiên tai, dịch bệnh thời gian qua cho thấy các nước cần sớm xây dựng và triển khai những cơ chế hợp tác hiệu quả hơn nữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sinh sống trên lưu vực sông khi có tình huống xấu như thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Thủ tướng cũng đề nghị Ủy hội phối hợp với các đối tác đối thoại Trung Quốc và Myanmar xây dựng một hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước thời gian thực trên lưu vực để kịp thời thông tin đến các quốc gia ven sông.
Việc này giúp các nước chủ động ứng phó với những biến động bất thường, vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán cũng như trường hợp khẩn cấp khác liên quan tới nước.
Sông Mekong mang lại sinh kế cho gần 200 triệu người trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản, trong đó có người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bên cạnh đó là việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ quy hoạch cấp vùng về nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng; qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Sông Mekong quanh co, uốn khúc nhưng thái độ của chúng ta đối với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch, tất cả vì môi trường sinh thái của dòng sông, vì lợi ích chung của cộng đồng cư dân sống quanh lưu vực, vì trách nhiệm với cả các thế hệ tương lai", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sông Mekong quanh co, uốn khúc nhưng thái độ của chúng ta đối với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Với tinh thần đó, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng nhằm góp phần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Hiệp định Mekong năm 1995, phát huy “tinh thần hợp tác Mekong”, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả quốc gia và người dân sinh sống trong lưu vực.
Cùng với đó, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau; tất cả vì mục tiêu chung là phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Sông Mekong dài khoảng 4.350 km, đoạn sông chảy trên lãnh thổ Trung Quốc dài 2.400 km, sau đó chảy qua 5 nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Con sông mang lại sinh kế cho gần 200 triệu người trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản.
Ủy hội sông Mekong là một cơ quan liên chính phủ có vai trò thúc đẩy và phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an sinh của cộng đồng. Ủy hội gồm 4 thành viên Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam; hai đối tác là Myanmar và Trung Quốc.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 được tổ chức ngày 5/4 tại Vientiane, CHDCND Lào. Tham dự hội nghị lần này có thủ tướng của 4 nước thành viên Ủy hội gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam; cùng lãnh đạo và đại diện hai nước đối tác là Trung Quốc và Myanmar; các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế và khu vực...
Hội nghị năm nay được tổ chức với chủ đề "Đổi mới và hợp tác vì một nguồn nước Mekong an toàn và bền vững". Tại phiên toàn thể diễn ra sáng 5/4, các đại biểu thảo luận về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển lưu vực sông Mekong.
Tại đây, các thủ tướng sẽ thông qua Tuyên bố chung của hội nghị - Tuyên bố Vientiane.
Duy trì hình thức gặp gỡ, làm việc giữa thủ tướng 3 nước
Trong cuộc làm việc giữa 3 thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia vào sáng 5/4, các nhà lãnh đạo đều đánh giá cao việc cùng duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh, trong đó có hình thức gặp gỡ giữa 3 thủ tướng.
Các lãnh đạo đồng thời nhất trí đẩy mạnh hợp tác kết nối ba nền kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; khuyến khích thương mại biên giới và phát huy hệ thống cửa khẩu trên đất liền; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, quản lý và sử dụng hiệu quả viện trợ phát triển chính thức ODA...
Sách chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường
The Climate Book - Thunberg đã viết cuốn sách này với niềm tin mãnh liệt của tuổi trẻ và tính bộc trực của một nhà hoạt động, điều giúp cuốn sách trở nên tươi mới. Thông qua đó, Greta đã chia sẻ nhiều câu chuyện riêng về việc cô nhìn thấy thế giới đã bị xói mòn như thế nào, màu xanh cỏ cây dần bị mai một ra sao và đã bao lâu con người không nhận thức được điều đó.
Cuốn sách được tờ The Guardian đánh giá là một lời kêu gọi mạnh mẽ nhưng chưa có sức nặng về giải pháp cho các vấn đề khí hậu.