Ông Bashagha cùng nội các “đã rời Tripoli để đảm bảo an ninh và an toàn cho công dân”, AFP hôm 17/5 dẫn tuyên bố từ cơ quan báo chí của chính quyền Bashagha.
Chỉ vài giờ trước, Tripoli đã xảy ra giao tranh vào khoảng trước bình minh sau khi có thông báo ông Bashagha cùng nội các tới thủ đô để bắt đầu công việc. Các cuộc đấu súng đặc biệt ác liệt vào khoảng 7h ngày 17/5 (giờ địa phương), theo AFP.
Ông Fathi Bashagha được nghị viện ở thành phố Tobruk bầu làm thủ tướng hồi tháng 2. Ảnh: Reuters. |
An ninh ở Libya rơi vào tình thế mong manh kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ trong cuộc nổi dậy năm 2011. Năm 2014, Libya tách thành hai phe đối địch ở miền Tây và miền Đông cho tới khi thỏa thuận đình chiến năm 2020 giúp lập ra chính phủ hợp nhất.
Từ 2021, Libya do Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah điều hành sau khi ông được bổ nhiệm thông qua tiến trình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Chính quyền ông Dbeibah tại Tripoli có nhiệm vụ dẫn dắt Libya tới cuộc bầu cử vào tháng 12/2021 nhưng sự kiện này đã bị dừng vô thời hạn.
Do đó, phe đối lập cho rằng thẩm quyền của ông Dbeibah đã kết thúc. Chiếc ghế của ông Dbeibah bị thách thức sau khi nghị viện ở thành phố Tobruk, vốn theo phe miền Đông trong cuộc chiến, bầu ông Bashagha làm thủ tướng thay thế hồi tháng 2.
Ông Dbeibah phản đối động thái này và cho biết sẽ chỉ chuyển giao quyền lực sau khi có bầu cử.
Hai tháng qua, ông Bashagha từng vài lần cố vào thủ đô nhận công tác trong hòa bình nhưng đoàn xe của ông bị ngăn chặn. Ông từng nhiều lần khẳng định sẽ chỉ tiến vào Tripoli mà không dùng bạo lực.
Một binh sĩ thuộc lực lượng trung thành với Thủ tướng đương nhiệm Abdulhamid Dbeibah tại Tripoli hôm 17/5, chỉ vài giờ sau cuộc giao tranh. Ảnh: AFP. |
Tuần trước, nghị viện Libya cho biết chính quyền của ông Bashagha có thể tạm thời công tác tại Sirte, thành phố ở trung tâm Libya, nằm gần chiến tuyến “đang đóng băng” giữa hai phe Đông - Tây.
Các cuộc xung đột làm dấy lên nỗi lo sợ tình hình tại Libya sẽ trở về trạng thái hỗn loạn từng bao trùm nước này. Hoạt động sản xuất dầu mỏ, nguồn thu nhập chính của Libya, một lần nữa trở thành mục tiêu đối đầu chính trị sau khi các nhóm theo phe miền Đông buộc đóng cửa hàng loạt kho dầu.