Việc Tổng thống lâm thời Mohamed al-Menfi đình chỉ công tác 14 ngày đối với bà Mangoush - một trong số ít phụ nữ trong chính trường Libya - là biện pháp đề phòng trong cuộc điều tra về “vi phạm hành chính”, Guardian đưa tin ngày 7/11.
Bà Mangoush bị cáo buộc thực hiện đường lối đối ngoại mà chưa qua tham vấn với Hội đồng Tổng thống, bao gồm việc trả lời tờ BBC rằng một cựu sĩ quan tình báo Libya có dính líu tới vụ đánh bom Lockerbie năm 1988 có khả năng sẽ được dẫn độ tới Mỹ.
Nữ ngoại trưởng Najla Mangoush. Ảnh: Reuters. |
Vụ đánh bom năm 1988 khiến một máy bay rơi xuống trên bầu trời Lockerbie, Scotland, khiến 270 người, bao gồm 190 công dân Mỹ, thiệt mạng. Năm 2003, Libya nhận trách nhiệm trong vụ tấn công và bồi thường cho gia đình nạn nhân, theo BBC.
Tuy nhiên, Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibeh bác bỏ quyết định trên vì cho rằng thẩm quyền bổ nhiệm hoặc đình chỉ các bộ trưởng trong chính phủ là đặc quyền của riêng mình.
Từ khi Muammar Gaddafi, người từng cầm quyền ở Libya 42 năm, bị lật đổ và sát hại vào năm 2011, đất nước này đến nay vẫn chưa thể thành lập một chính phủ có thể vượt qua mâu thuẫn giữa ba miền Đông, Tây và Nam. Trong nội chiến 2014-2020, Libya từng bị chia cắt theo trục đông, tây.
Libya hiện do chính phủ lâm thời quản lý sau cuộc bầu cử Hội đồng Tổng thống vào tháng 2. Tổng thống Menfi và Thủ tướng Dbeibei cùng được bầu lên nhờ diễn đàn đối thoại gồm 75 người do Liên Hợp Quốc bổ nhiệm, nhưng hai người luôn đại diện cho các lợi ích chính trị khác nhau.
Nhiệm vụ của chính phủ lâm thời là chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện sắp diễn ra vào ngày 24/12. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Libya có một chính phủ thống nhất thông qua bầu cử, với sự phân quyền rõ ràng giữa tổng thống được bầu trực tiếp - một vị trí mới trong chính trường Libya - và nghị viện.