Ngày 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023 do Bộ Công Thương tổ chức.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường trong nước sức mua còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Sản xuất và xuất khẩu gặp khó khăn do đơn hàng mới giảm, chi phí sản xuất cao do giá nguyên, nhiên liệu và chi phí logistic tăng cao; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, lãi suất tăng cao.
Một trong những vấn đề quan trọng được Bộ Công Thương kiến nghị là tăng giá điện và phê duyệt quy hoạch điện VIII.
Hài hòa lợi ích
Tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia làm căn cứ để đẩy nhanh thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ logicstic, năng lượng, khoáng sản...
"Đặc biệt, trong thời điểm này là đảm bảo đảm nguồn cung năng lượng phục vụ phát triển sản xuất trong nước. Sớm phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân làm căn cứ cho việc điều hành giá và huy động các nguồn điện (kể cả việc nhập khẩu điện từ Lào)", ông Diên đề xuất.
Về quy hoạch điện VIII, Thủ tướng nêu rõ tiến độ quy hoạch hoạch là rất cần cần song chất lượng quy hoạch còn cần hơn để có lợi cho nước, cho dân, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Ông cho biết cũng rất trăn trở khi chưa ra được quy hoạch này, song cần bình tĩnh, không nóng vội.
"Phải giải quyết tốt các vấn đề sử dụng tối đa nguồn lực - tải điện - phân phối điện - sử dụng hiệu quả tiết kiệm - giá điện. Đặc biệt vấn đề giá điện cần khẩn trương làm", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023. Ảnh: MOIT. |
Về giá điện, người đứng đầu Chính phủ cho rằng giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục", cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Trong việc mua bán điện cần có các đàm phán để hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn. Thủ tướng cho biết sẵn sàng ngồi đối thoại với các bên mua bán điện song ông lưu ý giá điện cần bàn hợp lý, điều hành không giật cục.
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp này ước lỗ hơn 30.000 tỷ đồng năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao. Trong khi đó, 4 năm qua, giá điện chưa được điều chỉnh duy trì ở mức 1.864,44 đồng một kWh.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình, quy định theo Quyết định 24.
Bộ cũng đã yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan như Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để có mức và lộ trình điều chỉnh phù hợp trong năm 2023.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ Tài chính để kiểm tra rà soát kỹ đề xuất của EVN. Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ kỹ lưỡng đến tác động lạm phát, đời sống người dân. Mức và thời điểm điều chỉnh cũng đã được quy định rất rõ trong Quyết định 24 của Thủ tướng.
Thủ tướng yêu cầu bớt khâu trung gian trong kinh doanh xăng dầu
Báo cáo trước Thủ tướng tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết về nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước được bảo đảm. Trước Tết, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương thông báo tạm nghỉ do nhân viên về quê nghỉ Tết hoặc nhập hàng chậm, lực lượng Quản lý thị trường các địa phương đã kịp thời kiểm tra, động viên doanh nghiệp khắc phục, các cửa hàng sau đó đã mở cửa bán hàng bình thường trở lại phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu (sản xuất trong nước và nhập khẩu), bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Đặc biệt, sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021 của Chính phủ với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.
"Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến để điều hành phù hợp, hiệu quả, không để đứt gãy, bảo đảm nguồn cung. Tạo thuận lợi hóa thương mại, phối hợp với các bộ, ngành giảm chi phí dịch vụ logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại", Thủ tướng yêu cầu.
Về xuất nhập khẩu, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.
"Tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh", Thủ tướng lưu ý.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh sức mua trong nước, phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Đồng thời chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; kết hợp giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...