Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiểm tra, công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện trước khi tăng giá

Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra và công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN trước khi tăng giá điện.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/2, chia sẻ về tiến độ đánh giá tác động điều chỉnh giá điện và dự kiến thời gian, mức điều chỉnh, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết giá điện tác động lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết tại Quyết định 24/2017 của Thủ tướng đã có quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm. Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng và ngược lại.

"Tuy nhiên do giá điện có tác động rất lớn đến nền kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, doanh nghiệp nên trong Quyết định 24 đã quy định phải báo cáo Thủ tướng xem xét phương án trước khi điều chỉnh giá điện", ông nói.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ông Hải cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình, quy định theo Quyết định 24.

Cụ thể, Bộ đã yêu cầu EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí kinh doanh điện năm 2022 và thuê các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN cũng như đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên Bộ Công Thương - Tài chính và đơn vị liên quan như: Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hội bảo vệ người tiêu dùng... kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.

gia dien anh 1

Trong 4 năm qua, giá điện chưa được điều chỉnh. Ảnh: EVN.

"Đồng thời, EVN ước tính kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công Thương phê duyệt", ông Hải nói.

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Công Thương cũng cho biết đơn vị đã yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan như Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để có mức và lộ trình điều chỉnh phù hợp trong năm 2023.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ Tài chính để kiểm tra rà soát kỹ đề xuất của EVN. Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ kỹ lưỡng đến tác động lạm phát, đời sống người dân. Mức và thời điểm điều chỉnh cũng đã được quy định rất rõ trong Quyết định 24 của Thủ tướng.

Về mức lỗ của EVN trong năm 2022, ông Hải cho biết doanh nghiệp ước lỗ 31.000 tỷ đồng. Thủ tướng đã giao Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp rà soát đề xuất giải pháp ngoài phương án tăng giá điện để tạo điều kiện cho EVN tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung cấp đủ điện.

Mới đây, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ dự kiến hơn 31.300 tỷ đồng trong năm 2022, EVN kiến nghị Bộ Công Thương cho phép tăng giá điện. Nếu giá điện giữ nguyên, doanh nghiệp lo mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

Đồng thời, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tức khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại, tương tự cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Giá mua điện mặt trời tối đa 1.508 đồng/kWh

Mức giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời là 1.184,9-1.508,27 đồng/kWh, tùy loại hình.

Bộ Công Thương: Đang tính toán mức tăng giá điện

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Chính phủ đã giao Bộ phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án đề xuất tăng giá điện của EVN theo đúng Quyết định 24 của Thủ tướng.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm