Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng tại LHQ và những thông điệp mạnh mẽ từ Việt Nam

Việt Nam đã khẳng định rõ vị thế và trọng trách của mình trước cộng đồng quốc tế trong bối cảnh trật tự thế giới đang bị thách thức.

Tư duy cường quyền, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe doạ đối với hoà bình, ổn định quốc tế.

Việt Nam cần sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để đảm đương và hoàn thành tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang mang lại cho nhân loại những cơ hội lẫn thách thức rất mới và to lớn.

Đó là những thông điệp quan trọng trong chuyến công tác 3 ngày (26-29/9) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Phiên thảo luận Cấp cao Khoá 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.

“Khát vọng của người yếu thế phải được lắng nghe"

“Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe doạ đối với hoà bình, ổn định quốc tế. Tình trạng bất công và bất bình đẳng còn tồn tại nhiều nơi trên thế giới; sự phát triển của toàn cầu vẫn có nhiều rủi ro, thiếu ổn định…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Đại hội đồng Khóa 73.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc cong du anh 1
 

Trong bối cảnh không một quốc gia nào có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, Thủ tướng đề xuất “trách nhiệm kép”, trong đó mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công nhân toàn cầu.

Bài phát biểu là lời khẳng định cam kết của Việt Nam đối với việc sử dụng các cơ chế đa phương trong quá trình giải quyết thách thức toàn cầu. Trong lúc chủ nghĩa bảo hộ, phản toàn cầu hóa đang trỗi dậy, thế giới còn nhiều điểm nóng xung đột và nhiều người tỏ ra nghi ngờ vai trò của các cơ chế đa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy Việt Nam tiếp tục đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc và việc hợp tác giữa các quốc gia.

“Tôi mong rằng, các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hoà bình và phát triển. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hoà bình, công bằng và phát triển bền vững”, Thủ tướng nói trước Đại hội đồng.

Thủ tướng khẳng định trong sự phát triển nhanh chóng của thế giới, "tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế phải được lắng nghe", vì đó là "nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người".

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc cong du anh 2

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định với Zing.vn: “Tất cả những điểm trên đều là vấn đề quốc tế then chốt trong một thời điểm mà các lực lượng mang theo chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và phản toàn cầu hóa đang thách thức trật tự thế giới".

"Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là minh chứng thiết thực cho sự ủng hộ của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc, luật lệ quốc tế và sự phát triển bền vững”, ông Thayer nói.

Việt Nam sẵn sàng cho trọng trách

Để có thể đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công việc chung của cộng đồng quốc tế và thực hiện các mục tiêu chung của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định Việt Nam tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Thủ tướng phát biểu trước Đại Hội đồng: “Tôi trân trọng đề nghị và mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên. Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc”.

Bên lề Phiên thảo luận chung, Thủ tướng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nguyên thủ của các nước Cuba, Bulgaria, Croatia và Thủ tướng các nước Fiji, Saint Lucia.

Trong khi đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Palau, bộ trưởng ngoại giao các nước Australia, Ukraine, Slovakia, Slovenia, Uganda, Ecuador, Malta, Morocco, Albania, El Salvador, Canada, tiếp phó ngoại trưởng Mỹ và chủ trì cuộc gặp gỡ với hơn 100 lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng và nhiều đại sứ trưởng phái đoàn đại diện các nước tại Liên Hợp Quốc.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc cong du anh 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Theo Giáo sư Thayer, trong bối cảnh Việt Nam là sự lựa chọn đồng lòng của nhóm châu Á - Thái Bình Dương cho vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “tái khẳng định các quan điểm của thành viên Đại hội đồng, những người sẽ bỏ phiếu vào tháng 6/2019 để ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an".

Việt Nam hiện là ứng viên duy nhất được nhóm châu Á-Thái Bình Dương, gồm 54 quốc gia thành viên, nhất trí giới thiệu vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021.

"Trong một diễn biến liên quan không thể trùng khớp hơn thì vào ngày 1/10 tới đây, Việt Nam sẽ gửi bệnh viện dã chiến cấp 2 của họ đến Nam Sudan”, ông Thayer lưu ý. 

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc cong du anh 4
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 trước ngày lên đường. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN.

Hành động để chống tụt hậu và mất việc làm

Ngoài chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa trỗi dậy, kỳ họp Khóa 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc còn diễn ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra và kỷ nguyên châu Á làm "công xưởng" thế giới có nguy cơ sớm kết thúc khi robot thay thế sức người. 

Trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung, Thủ tướng khẳng định "tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa theo xu thế tất yếu của toàn cầu hóa” đang mang lại cho nhân loại những cơ hội rất lớn nhưng cũng đi cùng những thách thức rất mới và to lớn.

Bên ngoài cuộc họp Đại hội đồng, Thủ tướng và các thành viên đoàn đã có buổi Toạ đàm về đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhằm tìm kiếm ý tưởng cho Việt Nam đột phá trước các thách thức của kỷ nguyên 4.0.

"Vấn đề không chỉ là vốn. Thực tế điều quan trọng nhất trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0 là ý tưởng và sáng kiến. Trong số các bạn, ai có ý tưởng gì đột phá giúp Việt Nam phát triển, không quan trọng trong lĩnh vực gì, quan trọng là có người sẵn lòng", Thủ tướng nói với hơn 40 lãnh đạo doanh nghiệp tại New York, trong đó có những tập đoàn hàng đầu, nằm trong Top 500 Fortune của Mỹ như Walmart, GE, Metlife, Medtronic…

"Nếu các bạn muốn đầu tư vào Việt Nam, các bạn muốn chúng tôi hỗ trợ điều gì? Hãy chia sẻ với chúng tôi những gì các bạn nghĩ chính phủ Việt Nam có thể làm để Cách mạng Công nghiệp 4.0 thật sự tạo ra bước phát triển đột phá cho Việt Nam, hay làm gì trước nguy cơ bị tụt hậu về phía sau và việc làm bị cướp mất".

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc cong du anh 5
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ về thể chế chính sách, tiềm năng... và kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng, kết cấu hạ tầng, đô thị thông minh, giáo dục, đào tạo, tài chính, ngân hàng, y tế, dịch vụ, khởi nghiệp sáng tạo...

Dù xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt xuất phát từ chính quyền Mỹ, các chuyên gia thường lạc quan về sự phát triển của quan hệ kinh tế Việt - Mỹ.

Ông David Shear, người từng giữ chức trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Đại sứ nước này tại Việt Nam, nhận định với Zing.vn: “Quan hệ kinh tế của Mỹ với Việt Nam và cả khu vực đang tăng trưởng, ASEAN là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Washington. Điều đó sẽ tiếp tục. Tôi không nghĩ lợi ích của Mỹ tại khu vực này đã hết, thậm chí cần phải duy trì quan hệ với khu vực này để có thể mang lại lợi ích lớn hơn, ngay cả dưới chính quyền hiện nay”.

Việt Nam và thế giới 4.0 qua bài phát biểu của Thủ tướng ở LHQ

Tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về khát vọng hòa bình dù trong thời đại nào và những thách thức mới mà thế giới đang phải đối mặt.

Thủ tướng: ‘Tư duy cường quyền là mối đe dọa hòa bình’

Chiều 27/9 giờ New York (sáng nay theo giờ VN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

My va Israel 'ran nut' hinh anh

Mỹ và Israel 'rạn nứt'

0

Chiến dịch quân sự của Israel ở Lebanon đã được tiến hành bất chấp sự phản đối của Washington, đồng thời gây chia rẽ nội bộ chính quyền Tổng thống Joe Biden.

An Điền (Từ New York)

Bạn có thể quan tâm