Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: ‘Tư duy cường quyền là mối đe dọa hòa bình’

Chiều 27/9 giờ New York (sáng nay theo giờ VN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Quốc tế đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng ở Liên Hợp Quốc Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cao vai trò của tổ chức lớn nhất hành tinh trong bối cảnh trật tự thế giới có nhiều biến đổi.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những chủ điểm quan trọng: Đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; đề cao việc duy trì hòa bình ổn định, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế; các thành tựu Việt Nam đã đạt được đóng góp cho các Mục tiêu thiên niên kỷ; đề cao phát triển bền vững; lãnh đạo toàn cầu, chia sẻ trách nhiệm, xã hội bền vững; khẳng định Việt Nam sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Vị thế Việt Nam

Thủ tướng đề cao vai trò to lớn của Liên Hợp Quốc suốt hơn 70 năm qua trong việc gìn giữ hoà bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng phát biểu: “Ngày nay, Liên Hợp Quốc đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hoá khát vọng vươn lên vì một thế giới hoà bình, thịnh vượng và công bằng. Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên Hợp Quốc trong hơn 70 năm qua. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong hệ thống quốc tế đa phương và tích cực đóng góp thực hiện các trụ cột hợp tác cơ bản của Liên Hợp Quốc về duy trì hoà bình, an ninh quốc tế, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người”.

Thủ tướng cũng đã chỉ ra những thành tựu của Việt Nam: GDP cao trên 6% trong hơn 20 năm qua. Chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký, tham gia và đang đàm phán 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra quan hệ thương mại tự do với gần 60 quốc gia, đối tác lớn trên thế giới.

thu tuong phat bieu tai Lien Hiep Quoc anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.

Việt Nam cũng đã tổ chức thành công hàng loạt sự kiện lớn như Năm APEC 2017, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018… Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG 2015) của LHQ, nhất là về xoá đói giảm nghèo.

“Chúng tôi luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình, trong đó có khu vực Biển Đông trên cơ sở Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

"Trách nhiệm kép" của mỗi quốc gia

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra những thách thức mới, rất to lớn của thế giới và qua đó cho thấy, hoà bình thế giới vẫn chưa được bảo đảm.

Thủ tướng phát biểu: “Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe doạ đối với hoà bình, ổn định quốc tế. Tình trạng bất công và bất bình đẳng còn tồn tại nhiều nơi trên thế giới; sự phát triển của toàn cầu vẫn có nhiều rủi ro, thiếu ổn định…”

Thủ tướng nhận định: Không một quốc gia nào có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh.

Thủ tướng phát biểu trước Đại Hội đồng: “Tôi đề nghị vấn đề ‘trách nhiệm kép’, mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công nhân toàn cầu. Trong tiến trình này, tôi mong rằng, các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hoà bình và phát triển. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hoà bình, công bằng và phát triển bền vững”.

VN thấu hiểu sâu sắc về hòa bình

Từ quá khứ đấu tranh giành độc lập tự do gian khổ, lâu dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hoà bình, quyền bình đẳng, ‘quyền dân tộc tự quyết’, ‘quyền mưu cầu hạnh phúc’ và các giá trị dân chủ của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Thủ tướng nói: “Tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người”.

Thủ tướng đặt vấn đề: “Chúng ta muốn một Liên Hợp Quốc như thế nào? Trả lời câu hỏi này, tôi đánh giá cao những đề xuất cải tổ của Ngài Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nhất là: ‘Tái định vị hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc’. Tôi cũng đề nghị Liên Hợp Quốc tăng cường hợp tác với các khu vực, trong đó có đẩy mạnh Cơ chế hợp tác thượng đỉnh Liên Hợp Quốc và ASEAN theo hướng tăng nội hàm của Liên Hợp Quốc trong ASEAN và làm đậm nét nội hàm ASEAN trong Liên Hợp Quốc”.

Sau cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định Việt Nam tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

thu tuong phat bieu tai Lien Hiep Quoc anh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres bên lề cuộc họp của Đại hội đồng. Ảnh: AFP.

“Tôi trân trọng đề nghị và mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên. Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc”, Thủ tướng phát biểu.

"Việt Nam là lựa chọn đồng lòng"

Nhận định về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nói với Zing.vn: “Việt Nam nhận được sự tôn trọng rộng rãi của cộng đồng quốc tế vì vai trò tích cực của mình trong việc thúc đẩy an ninh khu vực và toàn cầu. Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là minh chứng thiết thực cho sự ủng hộ của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc, luật lệ quốc tế và sự phát triển bền vững”

Theo ông Thayer, tất cả những điểm trên đều là vấn đề quốc tế then chốt trong một thời điểm mà các lực lượng mang theo chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc và phản toàn cầu hóa đang thách thức trật tự thế giới.

Ông nhấn mạnh bài phát biểu còn quan trọng gấp đôi trong bối cảnh Việt Nam rõ ràng là sự lựa chọn đồng lòng của nhóm châu Á - Thái Bình Dương cho vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an.

“Bài phát biểu tái khẳng định các quan điểm của thành viên Đại hội đồng, những người sẽ bỏ phiếu vào tháng 6/2019 để ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an. Trong một diễn biến liên quan không thể trùng khớp hơn thì vào ngày 1/10 tới đây, Việt Nam sẽ gửi bệnh viện dã chiến cấp 2 của họ đến Nam Sudan”, ông nhận định.

Thách thức và uy tín của chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an LHQ

Khác với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có vai trò như một diễn đàn tranh luận, Hội đồng Bảo an hướng đến việc ra các quyết định thực dụng và giải quyết khủng hoảng an ninh toàn cầu.

Việt Nam sẽ hoàn thành trọng trách của một thành viên Hội đồng Bảo an

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ứng cử vào HĐBA thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ và mong muốn của VN đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển.


An Điền (từ New York)

Bạn có thể quan tâm