Sáng 26/10, thông tin về việc lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết có 12 nhóm vấn đề nổi bật đã được lựa chọn để xin ý kiến thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội để chọn 6 nhóm.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bỏ phiếu chọn lấy 5 nhóm, tương ứng với 5 người trả lời chất vấn rồi tiếp tục trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội để chọn 4.
“Riêng Thủ tướng sẽ có một giờ để báo cáo giải trình và trả lời một số câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội”, ông Cường cho biết.
Ông lý giải khoảng thời gian một giờ dành cho người đứng đầu Chính phủ là theo đúng quy trình và không thay đổi so với thông lệ của Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có một giờ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Nhật Bắc. |
Dù chưa cung cấp thông tin cụ thể 6 thành viên Chính phủ được lựa chọn đăng đàn đến thời điểm này, một số đại biểu Quốc hội đã có dự tính về việc chọn người chất vấn trên cơ sở ý kiến của cử tri và những vấn đề lớn của đất nước đặt ra tại thời điểm này.
Theo đó, các nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: Lao động, thương binh và xã hội; y tế; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư; công thương; văn hoá thể thao và du lịch; công an; thông tin và truyền thông; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; ngân hàng, tài chính.... đều nằm trong sự cân nhắc của đại biểu.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, kỳ họp này cần chất vấn các Bộ trưởng: Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải. Lý do, theo nữ đại biểu, hiện nay hoạt động của các bộ ngành đó liên quan rất nhiều đến phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Với mỗi bộ thì sẽ chọn nhóm vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm nhất để chất vấn, nhưng đặc biệt cần quan tâm là sự phối hợp thế nào để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Thúy nhấn mạnh đây là năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, nên cần quan tâm đến các chỉ tiêu trong bối cảnh dịch Covid-19 đã làm cho sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm rất nhiều.
Bên cạnh đó, bà Thúy cho rằng rất nhiều cử tri quan tâm đến các vấn đề của ngành y tế. Vì thế, trả lời chất vấn cũng là cơ hội để Bộ trưởng Bộ Y tế có dịp giải trình trước quốc dân đồng bào những vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch, để cử tri có thông tin đầy đủ hơn.
Nữ đại biểu cũng chia sẻ rất quan tâm đến hỗ trợ cho lao động tự do và việc làm sao để các chính sách hỗ trợ được thực hiện kịp thời, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa góp phần phục hồi kinh tế.
Theo thông lệ, sau khi các bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng sẽ đăng đàn ở buổi cuối cùng (tại kỳ họp này là sáng 12/11). Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan góp ý nếu có thế, nên dành nhiều thời gian hơn để đại biểu chất vấn Thủ tướng, nhằm giúp công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép được thống nhất từ trên xuống dưới.