Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chiều 24/10.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phải có phạm vi đủ rộng, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Trên tinh thần đánh giá, dự báo tình hình sát thực tế, dựa trên số liệu thống kê có độ tin cậy cao, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đánh giá những việc đã triển khai, một số bài học kinh nghiệm cũng như kết quả thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền sớm nhất dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VGP. |
Định hướng cho việc xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề trọng tâm. Trước hết là nâng cao năng lực y tế để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
“Đặc biệt quan tâm y tế dự phòng, y tế cơ sở, vaccine và các biện pháp điều trị; nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch”, Thủ tướng quán triệt.
Về các vấn đề an sinh xã hội, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tập trung khôi phục và phát triển thị trường lao động, giảm nghèo bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, cần dựa trên 3 trụ cột chính: Giảm thiểu rủi ro thông qua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; khắc phục rủi ro thông qua bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách cho người có công; phòng ngừa rủi ro trên cơ sở tạo việc làm bền vững, năng suất cao, phục hồi và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối cung - cầu, quản lý rủi ro cũng là một yêu cầu Thủ tướng đặt ra khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đi kèm với yêu cầu này còn có một số giải pháp như khơi thông các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Để chương trình phục hồi, phát triển kinh tế khả thi và mang lại hiệu quả cao, Thủ tướng yêu cầu tăng cường năng lực quản trị quốc gia, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với bố trí nguồn lực và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phải tính toán, huy động và phân bổ các nguồn lực, điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát…