Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thủ tướng cùng y, bác sĩ tuyến đầu chia sẻ về gần 600 ngày chống dịch

Trong hành trình của gần 600 ngày chống dịch, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhiều đến sức mạnh của sự đoàn kết và của đức hy sinh.

de xuat xoa bo cac khu cach ly tap trung anh 1

Chia sẻ tại buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, chiều 18/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử ngành y tế.

“Đến hôm nay, những nỗ lực, đóng góp, hi sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ và nhân viên đã góp phần mang lại kết quả. Chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên toàn quốc”, Bộ trưởng Y tế chia sẻ.

Với nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường, các y bác sĩ không chỉ phải vượt qua khó khăn khi cứu người trong hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực do số lượng bệnh nhân tăng quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó, họ phải chịu đựng gian khổ khi xa người thân; làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng.

Thời gian khó khăn, đầy thử thách trong lịch sử ngành y

“Chúng ta gặp nhau hôm nay trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, dẫu rằng trước mắt còn nhiều khó khăn và thách thức chưa thể dự báo hết”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong buổi gặp mặt.

Theo người đứng đầu Chính phủ, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, thách thức hệ thống y tế.

de xuat xoa bo cac khu cach ly tap trung anh 2

Thủ tướng trao tặng bằng khen cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Thạch Thảo.

Thủ tướng nhấn mạnh đó là cuộc chiến chống lại “kẻ thù virus” vô hình nguy hiểm, luôn biến hình, biến dạng. Đó cũng là thời điểm khan hiếm vaccine toàn cầu và việc này trở nên khó khăn hơn khi Việt Nam là đất nước đông dân, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn.

“Đến nay, dịch đã được kiểm soát và chúng ta đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nói.

Trong hành trình của gần 600 ngày chống dịch, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhiều đến sức mạnh của sự đoàn kết và của đức hy sinh. Minh chứng cho điều này là hình ảnh các y, bác sĩ quên hiểm nguy để cứu chữa bệnh nhân; quên ăn, quên ngủ, quên cả thời gian và nỗi ám ảnh trong những bộ đồ bảo hộ nóng nực giữa mùa hè để chiến đấu với Covid-19.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng không thể miêu tả hết sự cam go, khốc liệt cũng như những gian lao, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là của y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân.

Thủ tướng cho biết tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam là gần 24.000 người. Ước tính khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ đã hy sinh.

Trong thời gian ngắn, hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng trăm trạm y tế lưu động đã được triển khai để thu dung, điều trị bệnh nhân, giảm số ca chuyển nặng, giảm tử vong.

Qua những khó khăn đã phải đối mặt, Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế đã bộc lộ mà cần thẳng thắn nhìn nhận, điển hình là về năng lực y tế ở cấp cơ sở.

Chuẩn bị vaccine cho năm 2022 và tiêm cho trẻ em

Để thực hiện thành công chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, nhất là lực lượng y tế, bảo đảm công bằng, bình đẳng.

Dự báo tình hình dịch bệnh thời gian tới diễn biến khó lường, Thủ tướng cho rằng đội ngũ cán bộ y tế sẽ còn rất nhiều gian nan. Ông đề nghị ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; trong đó, hết sức chú trọng thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ tuyến đầu.

de xuat xoa bo cac khu cach ly tap trung anh 3

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của lực lượng tuyến đầu vẫn là thường trực, thường xuyên khi thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Ảnh: Thạch Thảo.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với cơ quan, địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên hợp lý, chuẩn bị vaccine cho năm 2022 và tiêm vaccine cho trẻ em. Song song với đó là việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước, chuẩn bị chủ động về thuốc chữa bệnh.

Thủ tướng đề nghị đội ngũ y, bác sĩ qua thực tiễn công tác, kinh nghiệm của mình tham mưu việc giải quyết những bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, góp phần hoàn chỉnh biện pháp phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Đề xuất bỏ khu cách ly và bệnh viện dã chiến

Tại cuộc gặp mặt, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương) cho biết với thực tế chống dịch đã trải qua, ông đề xuất xóa bỏ các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến. Thay vào đó, các địa phương hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường, xã. Người nhiễm nCoV được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể được cách ly hẹp.

Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) thì có thể thực hiện cách ly cả thôn hay xí nghiệp; đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội.

Đề xuất thứ hai bác sĩ đề cập là “tách đôi bệnh viện” với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm nCoV; xác định bằng test nhanh sàng lọc và người nghi nhiễm cần được khẳng định bằng phương pháp PCR ở vùng đệm. Khi chắc chắn, bệnh nhân dương tính sẽ được đưa vào khu điều trị thông thường.

Cũng theo bác sĩ Hiếu, khu điều trị Covid-19 nên chia làm 3 phần: Hồi sức cấp cứu; điều trị bệnh theo mức độ vừa và khu hậu Covid-19. Ngay khi các ca có xét nghiệm âm tính thì cần chuyển ngay sang tầng hậu Covid-19 để chăm sóc điều trị như bệnh nhân thông thường. Khu điều trị cần đảm bảo có đầy đủ oxy hóa lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực. Đây là việc cần làm lâu dài chứ không chỉ dưới hình thức dã chiến.

Để đối mặt với cuộc chiến bền bỉ, ông Hiếu kiến nghị đưa y tế tư nhân vào cuộc; cho phép bệnh viện tư thu phí dịch vụ như TP.HCM đã triển khai. Song song với đó, cần rà soát việc tiêm vaccine; sẵn sàng có kế hoạch tiêm cho trẻ 12-18 tuổi khi được hướng dẫn.

Đặc biệt, bác sĩ Lân Hiếu nhấn mạnh “không sợ Covid-19” là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận và bài học lớn nhất là phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Thủ tướng tặng bằng khen lực lượng tuyến đầu chống dịch

Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 18/10 gặp gỡ, trao tặng bằng khen cho lực lượng tuyến đầu sau thời gian dài họ tham gia chống dịch.

Thủ tướng: 'Dịch đã được kiểm soát, từng bước chuyển trạng thái mới'

Nhận định dịch đã được kiểm soát trên toàn quốc, Thủ tướng khẳng định nước ta có cơ sở để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm