Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Rất nhiều cán bộ, kể cả ở cấp cao đã bị xử lý'

"Chưa bao giờ, ngành thanh tra làm được nhiều việc như năm 2018. Rất nhiều cán bộ, kể cả ở cấp cao đã bị xử lý", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 vào chiều 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của ngành thanh tra, Thanh tra Chính phủ trong năm qua.

Ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng

Trong năm qua, ngành thanh tra đã phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm; góp phần chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý Nhà nước và ban hành chính sách, pháp luật.

"Tôi hiểu các đồng chí chịu áp lực rất lớn khi thanh tra các vụ việc phức tạp. Tuy nhiên, với bản lĩnh và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, các đồng chí đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các cuộc thanh tra theo đúng kế hoạch, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng quy định", ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đó là "không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn".

Thu tuong du tong ket Thanh tra Chinh phu anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thắng Quang.

"Chưa bao giờ, chúng ta làm được nhiều việc như năm vừa qua, rất nhiều cán bộ, kể cả ở cấp cao đã bị xử lý", người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc xây dựng cán bộ thanh tra được tập trung hơn, trong đó quan tâm đào tạo nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử cho đội ngũ công chức thanh tra.

Theo đó, điều tiếng, dư luận xấu về cán bộ thanh tra đã giảm đi nhiều so với trước đây. Điều này chứng tỏ công tác cán bộ trong toàn ngành chấn chỉnh đạt kết quả tốt. Phần lớn cán bộ thanh tra nghiêm túc làm gương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, ông Phúc cho rằng cần mạnh dạn nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của ngành. Cụ thể, một số vụ thanh tra còn kéo dài, chậm ban hành kết luận, kết luận chất lượng chưa cao, vẫn còn những kiến nghị chưa phù hợp, không khả thi trên thực tiễn.

Người đứng đầu các cơ quan địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tiếp công dân. Tình trạng khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Tình trạng né tránh, đùn đẩy, chất lượng giải quyết một số vụ việc thiếu trách nhiệm gây nên tình trạng khiếu nại tố cáo phức tạp kéo dài. Tham nhũng vặt chưa kịp xử lý giải quyết, thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.

Năm 2019, Thủ tướng đề nghị khi có hiện tượng ở 1 địa phương, 1 dự án công trình, ngành, lĩnh vực dư luận quan tâm thì yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiếp cận, vào cuộc. Đồng thời tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là những vụ việc nổi cộm đông người, kéo dài thì năm nay phải có chuyển biến mới.

Ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ và các cấp phải giữ vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho Tổ công tác của Thủ tướng để chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Lưu ý về việc "một đốm lửa nhỏ có thể cháy cả cánh rừng lớn" hay "tức nước vỡ bờ", Thủ tướng nói thêm: "Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là chủ đề quan trọng hiện nay của cả nước. Tôi nhấn mạnh điều này với các địa phương, thanh tra các cấp. Do đó, các tỉnh phải rà soát lại, giải quyết trực tiếp, có lý có tình, và đặc biệt phải dành nhiều thời gian cho việc này".

Bên cạnh đó, ngành thanh tra tập trung phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng chiếm đoạt, với tinh thần “không khoan nhượng” để thực hiện bằng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng mà Nghị quyết của Trung ương đã đề ra.

Nhất là ngăn chặn có hiệu quả việc tẩu tán tài sản tham nhũng, gây khó khăn cho công tác thu hồi, điều tra, xử lý; triển khai mạnh mẽ các giải pháp cần thiết để hạn chế, không còn tham nhũng vặt.

Thu tuong du tong ket Thanh tra Chinh phu anh 2
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tổng kết ngành thanh tra. Ảnh: Thắng Quang.

Phát hiện vi phạm kinh tế gần 34.000 tỷ

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2018, toàn ngành triển khai gần 7.200 cuộc thanh tra hành chính và 220.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 34.000 tỷ đồng và 34.000 ha đất, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 30.000 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, vụ Mobifone mua AVG, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm...

"Năm 2018 toàn quốc có trên 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, tỷ lệ công khai gần 100%. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm", Thanh tra Chính phủ cho hay.

Bên cạnh đó, 35 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 3 người đã bị xử lý hình sự, 32 người bị xử lý kỷ luật hành chính; chuyển đổi vị trí công tác gần 10.000 cán bộ, công chức, viên chức. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp phát hiện 50 vụ, 101 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Phó thủ tướng yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu

"Bộ Nội vụ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, công khai, minh bạch đề cao trách nhiệm người đứng đầu", Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.




Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm