Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 265 về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Công điện được ban hành trong bối cảnh tăng trưởng của cả nước và ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn; công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đạt được một số kết quả tích cực nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt.
Truy tố cá nhân, tổ chức môi giới đưa tàu cá đi khai thác bất hợp pháp
Về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, người đứng đầu Chính phủ yêu kiên quyết thực hiện biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm sẽ bị xử nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.
Bộ Quốc phòng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện trường hợp vi phạm.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Trong công điện, Thủ tướng phê bình các tỉnh: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang vì để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay, yêu cầu các tỉnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5.
Tàu cá Việt Nam chuẩn bị ra khơi. Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ. |
Thủ tướng đồng thời giao các bộ ngành triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn triệt để nguyên liệu thủy sản khai thác bất hợp pháp nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu bằng tàu container theo khuyến nghị của EC.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển được giao chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; điều tra, xác minh, xử lý triệt để vi phạm, trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự cần điều tra, truy tố, đặc biệt là hành vi cố tình vi phạm quy định về IUU, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
Đa dạng hóa sản phẩm nông sản, đẩy mạnh chế biến sâu
Đối với các vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp và thương mại nông sản, Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan tập trung gỡ vướng về pháp lý, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính không thật cần thiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu.
Ba động lực tăng trưởng được yêu cầu tập trung hơn nữa gồm: Tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư. An ninh lương thực phải được đảm bảo trong mọi tình huống. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa giá trị, quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tuần hoàn, phát thải thấp, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có sức cạnh tranh cao.
Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, coi đây là khâu đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về khu công nghệ cao, trong đó có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Đa dạng hoá sản phẩm nông sản, đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh nhằm khắc phục tình trạng được mùa mất giá" phụ thuộc mùa vụ và nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử, đa dạng thị trường, áp dụng phòng vệ thương mại phù hợp.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.