Sáng 24/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Theo người đứng đầu Chính phủ, một quốc gia muốn thành công thì yếu tố quan trọng nhất là thể chế pháp luật phải mạnh. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ trưởng, cơ quan, ban ngành.
"Chúng ta hay lo cháy nhà, chết người, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm nhiều đến công tác xây dựng thể chế", Thủ tướng nói về tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật.
Xây dựng thể chế là nhiệm vụ trung tâm
Thủ tướng cho rằng pháp luật Việt Nam hiện tại cơ bản đầy đủ, thống nhất trên các lĩnh vực, phát huy được tính minh bạch, khả thi, thể chế hóa được các chủ trương của Đảng. Các chính sách bảo đảm sự đồng bộ trong cải cách kinh tế, thông suốt của bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy ngày càng được cải tiến, nâng cao, quy trình kiến tạo, thẩm định đảm bảo tính công khai, lấy ý kiến được nhiều đơn vị, tầng lớp nhân dân. Nhờ có những thể chế, chính sách hợp lý, năng lực cạnh tranh nước ta tăng 10 bậc, đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc.
Thủ tướng yêu cầu chính sách phải có hơi thở cuộc sống, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN. |
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng ngành tư pháp cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng thể chế.
"Chất lượng các dự án luật, thể chế còn kém, nhiều dự án có vòng đời tồn tại rất ngắn. Tầm nhìn trong các thể chế, nhất là thể chế về kinh tế còn nhiều hạn chế", Thủ tướng nhận xét.
Công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động chưa kỹ, dẫn đến khi ban hành phải sửa chữa nhiều, thậm chí vừa ban hành đã phải sửa. Việc thi hành pháp luật chưa thực tế với cuộc sống, còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ thực hiện hiệu quả.
Thủ tướng cũng bày tỏ không hài lòng khi qua kiểm tra, nhiều cơ quan, địa phương ban hành văn bản pháp luật trái với chủ trương, sai thẩm quyền, mà chậm được thu hồi, xử lý. "Bộ Tư pháp phải có danh mục các bộ, các địa phương, bộ trưởng vi phạm, ban hành văn bản sai", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng các bộ ngành còn chưa chặt chẽ trong lấy ý kiến, trao đổi khi xây dựng các dự án luật, cơ chế. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn yếu, chưa nhất quán, khiến việc ban hành các văn bản không kịp thời, thiếu nội dung.
Phải chống tham nhũng trong chính sách
Thủ tướng yêu cầu ngành tư pháp, Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò nhạc trưởng, cơ quan gác cửa trong xây dựng hoàn thiện pháp luật, thi hành pháp luật của chính phủ. "Thành bại là ở Bộ Tư pháp", Thủ tướng nói.
Bộ Tư pháp chỉ đạo sở tư pháp các địa phương làm tốt vai trò giám sát, tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong việc ban hành các văn bản pháp luật. Ban hành sai thẩm quyền, ban hành sai nội dung thì Bộ và các sở phải có trách nhiệm.
"Kiểm điểm chủ tịch UBND, nhưng kiểm điểm cả sở Tư pháp vì không làm tròn vai trò gác cổng này", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp phát huy vai trò cơ quan gác cửa trong xây dựng, thi hành pháp luật của chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản, ban hành kịp thời các văn bản pháp luật. Văn phòng Chính phủ sẽ báo cao công khai những bộ, địa phương để xảy ra tình trạng nợ đọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải cấm triệt để lợi ích nhóm trong xây dựng cơ chế, chính sách, xây dựng pháp luật. Không có chuyện bộ làm để bảo vệ quyền lợi cho bộ.
"Chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách, pháp luật còn quan trọng hơn", ông nói.
Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp đảm bảo nguồn lực, điều kiện cần thiết để hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Thủ tướng đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TAND Tối cao, VKSND Tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong xây dựng pháp luật.
Xây dựng, thi hành pháp luật là tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết trong 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh. Chính phủ ban hành 745 nghị định, Thủ tướng ban hành 232 quyết định.
Chính phủ, Thủ tướng xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, điều hành. Chính phủ có nhiều đối mới trong công tác xây dựng pháp luật, tập trung cao và dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, thông qua các dự án, dự thảo văn bản.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn thừa nhận hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, vẫn còn cồng kềnh, một số nội dung còn mâu thuẫn.
Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực tiễn. Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, chưa có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng tính minh bạch của hệ thống pháp luật còn hạn chế, một số quy định được hiểu, áp dụng chưa thống nhất. Chất lượng một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao; vẫn còn dự án, dự thảo phải xin lùi, rút điều chỉnh.
Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ, Thủ tướng coi xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, điều hành.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xây dựng đề án kinh phí hợp lý dành riêng cho các hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị đề cao vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng, ban hành văn bản và thi hành pháp luật. Lấy kết quả thực hiện công tác này là một trong những căn cứ để Quốc hội xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.