Sáng 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, tại huyện An Lão (TP. Hải Phòng).
Thông tin thêm về tình hình kinh tế, xã hội, Thủ tướng nhắc đến “kỳ tích” khống chế được dịch Covid-19 và giữ được tốc độ tăng trưởng dương của nước ta.
“Chúng ta không có ước mơ nào khác hơn là nâng cao mức sống của người dân cả về vật chất và tinh thần. Chúng ta đã thực hiện điều đó trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, nhất là trong bối cảnh khó khăn năm 2020 này”, Thủ tướng nói.
Cử tri mong Hải Phòng có cơ chế đặc thù
Cử tri Trần Văn Hùng (nguyên Phó ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng), bày tỏ tâm đắc với bài phát biểu trả lời chất vấn của Thủ tướng trước Quốc hội. Nhắc đến bối cảnh đặc biệt của năm 2020 với đại dịch Covid-19, lũ quét, hạn hán, bão lụt, ông Hùng ghi nhận kết quả giữ tăng trưởng dương và ổn định chính trị, xã hội.
Là công dân Hải Phòng, thành phố có số thu ngân sách đứng thứ 3 cả nước, có vị trí quan trọng trong sự phát triển vùng và cả nước, cử tri này mong muốn địa phương sẽ có một số cơ chế đặc thù để phát triển, như Hà Nội và TP.HCM.
Cử tri Hải Phòng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong một năm có nhiều biến động như năm 2020. Ảnh: VGP. |
Cử tri Ngô Thị Hải Ninh (Bí thư Đảng ủy xã Tân Viên) cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng khi luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân miền Trung; kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân.
Tuy nhiên, cử tri băn khoăn thiên tai liên tiếp xảy ra có nguyên nhân xuất phát từ con người, do tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ, khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra ở một số địa phương. Nữ cử tri mong muốn Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục có các biện pháp quyết liệt trước mắt cũng như dài hạn để giải quyết tình trạng trên.
Nêu vấn đề đất đai, cử tri Đỗ Văn Sóng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Dân) cho rằng Luật Đất đai 2013 vẫn còn một số bất cập. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông mong muốn Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sớm bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai 2013, trình Quốc hội thông qua vào năm 2021.
Xem xét tác động của con người sau thiên tai
Giải đáp mong muốn của cử tri về cơ chế cho Hải Phòng phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Bộ Chính trị đã thảo luận và có Nghị quyết mới (Nghị quyết số 45) về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng "cùng với thiên tai còn có nhân tai". Ảnh: VGP. |
Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị chương trình hành động của Chính phủ và một số cơ chế, tạo nền tảng quan trọng cho Hải Phòng phát triển giai đoạn tới.
“Thậm chí chúng tôi nghiên cứu đến vấn đề chính quyền đô thị của Hải Phòng như thế nào, có nên vận dụng như một số thành phố khác hay những cơ chế đặc thù nào để Hải Phòng có thể thành một thành phố động lực cho đất nước, thành phố phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thành phố có tên tuổi ở khu vực Đông Nam Á”, Thủ tướng chia sẻ.
Ông cho biết sẽ xem xét, ban hành các cơ chế “thấu tình đạt lý”, cân đối các mặt của nước ta và nghiên cứu các đặc điểm riêng của Hải Phòng.
Về băn khoăn nguyên nhân từ con người gây ra các thảm họa thiên tai, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng “cùng với thiên tai còn có nhân tai”, có tác động của con người đến tự nhiên.
Theo ông, hiện tượng lũ lụt vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp là mưa bão với tần suất lớn, kéo dài liên tục nhiều ngày, trên địa hình dốc đứng như ở miền Trung. Nhưng cũng cần xem xét đến trách nhiệm, tác động của con người trong vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các cử tri tại Hải Phòng. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng đặt vấn đề, phải tiếp tục phát triển rừng ở mỗi vùng, miền của Tổ quốc, nhất là những vùng hứng chịu nhiều thiên tai thì càng phải chú ý đến môi trường tự nhiên.
Ông nhắc lại đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, tương đương với 5 triệu ha rừng.
“Với số dân gần 100 triệu người thì mỗi người trồng 2 cây một năm, chưa phải là nhiều. Nhưng làm chương trình này rất có ý nghĩa trong đời sống xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cho rằng việc sạt lở ở các dòng sông có trách nhiệm của hành vi khai thác cát trái phép, Thủ tướng quán triệt tình trạng khai thác gỗ, cát, khai thác rừng trái phép… phải tiếp tục được chấn chỉnh, xử lý.