Sáng 10/11, trước khi trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội các vấn đề nhằm khái quát bức tranh kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020.
Thu nhập trung bình của người dân gần 9.000 USD
Chia sẻ về bối cảnh, Thủ tướng cho biết không chỉ riêng năm 2020 này mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, đất nước đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung…
“Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”, Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết gần một nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%. Ảnh: Quốc hội. |
Nhờ kết quả này, Việt Nam được xếp trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ, năng suất lao động của nền kinh tế đã được cải thiện rõ nét trong những năm qua với mức tăng 5,8%/năm - cao hơn nhiều so với mức 4,3% giai đoạn trước đây.
“Gần một nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%, thu nhập của người dân tương đương gần 9.000 USD”, Thủ tướng vui mừng thông báo.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm “4 con hổ châu Á” cộng lại và đến 2045 chiếm trên 50% dân số - tức tương đương dân số Hàn Quốc.
“Những con số thống kê, dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu kinh tế và những tiến bộ trong đời sống xã hội. Đó là cả một chặng đường đầy khó khăn. Điều quan trọng là chúng ta đã biết tận dụng tốt hơn các cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh thách thức lớn nhất hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế, mà chính là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động.
Dù nguyên nhân là gì cũng phải bảo vệ rừng
Nêu bối cảnh trong nước, Thủ tướng cho biết khi bệnh dịch còn rình rập, tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định hiện tượng này diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn.
Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện để có các biện pháp chấn chỉnh. Ông yêu cầu đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng và cho biết sẽ ban hành chiến lược ứng phó thiên tai vào cuối năm nay.
Thủ tướng nhận định hiện tượng này diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
“Chúng ta đau buồn khi thiên tai cướp đi sinh mạng nhiều người dân vô tội và vô cùng bàng hoàng khi có nhiều thi thể trẻ em được tìm thấy tại hiện trường các vụ sạt lở núi kinh hoàng, có vụ có đến 6 thi thể trẻ nhỏ. Các cháu vẫn còn chưa được học hết bài học trên lớp, chưa đọc hết mẩu chuyện, chưa chơi xong trò chơi của các cháu, và còn nhiều ước mơ chưa thực hiện được”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhìn nhận bão lũ và sạt lở đất có thể do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người, song dù bất luận là nguyên nhân gì, Thủ tướng vẫn chỉ đạo phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt.
“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và chúng ta cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng đã tăng trở lại nhưng vẫn còn thấp. Do đó, phải tiếp tục trồng cây gây rừng", Thủ tướng nói và đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.
Phấn đấu đến 2030, cả nước có 5.000 km cao tốc
Là một nước đang phát triển với kết cấu cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị…
Thủ tướng nêu mục tiêu đến 2030 có 5.000 km đường bộ cao tốc. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông”, Thủ tướng nêu mục tiêu.
Trong khi theo đuổi các dự án lớn của quốc gia, Thủ tướng nhắc nhở không bỏ sót những dự án nhỏ, những con đường, cây cầu ở nông thôn - nơi tạo ra việc làm và thu nhập trực tiếp cho bà con.
Ông cũng đề cập mục tiêu bao phủ hạ tầng viễn thông để người dân, kể cả vùng nông thôn, sẽ được tiếp cận với Internet tốc độ cao.
Để làm được những nhiệm vụ ấy, Thủ tướng cho rằng Chính phủ và toàn hệ thống chính trị sẽ phải nỗ lực rất nhiều bằng cả trái tim và khối óc.
Nhắc lại lịch sử hào hùng của đất nước, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chúng ta có trách nhiệm làm cho Việt Nam trở nên hùng cường, biến những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực.
“Chúng ta không còn những vùng đất hoang để khai phá như tổ tiên, nhưng vẫn còn những bầu trời lớn, những vùng biển sâu, những lĩnh vực mới đang chờ được khám phá, những câu chuyện thành công ly kỳ”, ông nói. Thủ tướng cho rằng đất nước và dân tộc ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới.
Mượn 4 câu thơ của Bác Hồ tặng thanh niên xung phong vào 70 năm trước, Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị bằng 4 câu thơ trong bối cảnh mới:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Thịnh vượng và phát triển
Quyết chí ắt làm nên”.