"Khi một quốc gia có vũ khí hạt nhân chiến đấu đến cùng, hậu quả sẽ vượt xa những đường biên giới. Nó sẽ gây ra hậu quả cho cả thế giới", Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố trước lãnh đạo các nước tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 27/9, theo AP.
"Đó không phải là một lời đe dọa. Đó là một sự quan tâm đúng đắn. Chúng ta đang hướng đến đâu?", ông Khan nói thêm.
Khoảng trước đó một giờ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có bài phát biểu tại vị trí tương tự, tập trung vào sự phát triển của Ấn Độ. Mặc dù cảnh báo về sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố, ông Modi không có lời nào nhắc tới tình hình ở Kashmir.
Khu vực này chính là nguyên nhân của 2 trong số 3 cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi từ hôm 5/6, ông Modi tước bỏ quyền tự trị hạn chế của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Người gốc Pakistan phản đối Ấn Độ và ông Modi bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Ảnh: AP. |
Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của ông Modi đã áp đặt lệnh giới nghiêm quân sự và cắt bỏ gần như toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của khu vực có phần lớn dân số theo đạo Hồi. Thủ tướng Imran Khan cho rằng đang có tới 900.000 binh sĩ Ấn Độ kiểm soát 8 triệu người Hồi giáo ở Kashmir.
"Ông ấy (Modi) sẽ làm gì khi dỡ bỏ lệnh giới nghiêm? Liệu ông ấy có nghĩ rằng người dân Kashmir sẽ lặng lẽ chấp nhận những gì đang diễn ra?", ông Khan đặt câu hỏi.
"Những gì xảy ra khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ sẽ là một cuộc tắm máu", thủ tướng Pakistan tuyên bố.
"Người dân sẽ ra ngoài đường. Và binh sĩ sẽ làm gì? Bắn họ.... Những người Kashmir sẽ trở nên cực đoan hơn nữa", ông Khan cảnh báo.