Chiều 2/7, sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận.
Bên cạnh việc đánh giá cao mức tăng trưởng 7,08% đã đạt được trong 6 tháng đầu năm và những thành quả đạt được cả về đối ngoại, quốc phòng - an ninh, Thủ tướng cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng đang giảm đi. Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần bổ sung thêm nhiều yếu tố để có sự bứt phá 2 quý cuối năm và chuẩn bị cho năm 2019.
Đề phòng chu kỳ 10 năm khủng hoảng
Dẫn lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm ngoái, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương không ngủ quên trên “vòng nguyệt quế” bởi thành tích của 2017.
“Cần tăng trưởng cao, liên tục chứ không thể lẹt đẹt mãi. Ta tăng trưởng nhiều mặt nhưng bình quân GDP đầu người thấp như vậy vẫn là bài toán lớn”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành không lơ là trong quản lý tránh lặp lại bài học đau đớn trước đây. Ảnh: Quang Hiếu. |
Thủ tướng cũng cho biết vẫn còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế như vốn đầu tư công còn chậm giải ngân. Biện pháp là "anh nào không sử dụng thì chuyển cho địa phương khác, công trình khác" cần hơn.
Đặc biệt Thủ tướng nhắc tới chu kỳ 10 năm khủng hoảng ở Việt Nam mà chúng ta biết để chủ động "tránh lặp lại bài học đau đớn".
“Sau khi xem xét các yếu tố thì có thể khẳng định không có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng theo chu kỳ 10 năm lặp lại. Nhưng để đề phòng, cần kiểm soát tốt những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, xây dựng, ngân hàng không để xảy ra khủng hoảng”, Thủ tướng nói.
Sức ỳ cải cách ngày càng lớn
Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự xuất hiện sức ỳ cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
“Chúng ta không thể để tình trạng không làm cũng không sao, làm không tốt cũng không sao tiếp tục xảy ra. Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dù hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng chia lẻ các quyền lực khác nhau vẫn còn phổ biến, sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhưng kết quả tháng 6/2018 chỉ được 13%. Nhiều bộ, ngành vẫn còn chưa thực hiện một cách nghiêm túc.
"Các bộ phải khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, trình trước 15/8 để ban hành trước 31/10, tránh tình trạng hiểu, thực thi theo nhiều cách mà phần đúng thuộc về cơ quan Nhà nước, sai thuộc về doanh nghiệp, người dân", Thủ tướng yêu cầu.
Đặc biệt, trong bộ máy có một bộ phận cán bộ có cũng được, không có cũng được. Những cán bộ này cũng là người thờ ơ với sự phát triển của đất nước.
Nhắc về một số vụ việc gần đây xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm, Thủ tướng cho rằng, sức ỳ, trách nhiệm này là do chưa được làm đến nơi đến chốn.
“Cứ ngại trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm... thì làm sao xã hội phát triển được”, Thủ tướng cảnh báo.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng chia lẻ các quyền lực khác nhau vẫn còn phổ biến, sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn. Ảnh: Quang Hiếu. |
Ở thời điểm giữa nhiệm kỳ, Thủ tướng đề nghị từng thành viên Chính phủ đánh giá lại ngành mình; từng chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh ủy nên đánh giá lại địa phương mình và cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của nhân dân, của nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.
"Từng cơ quan, từng cá nhân phải suy nghĩ đổi mới sáng tạo để phát triển, trong đó có việc thực hiện tốt chủ trương phòng chống tham nhũng và lợi ích nhóm," Thủ tướng nhắc nhở.
Tập trung sản xuất sản phẩm chủ lực đóng góp nền kinh tế
Cũng phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết 6 tháng đầu năm tuy tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều tích cực nhưng vẫn còn đó những khó khăn chưa được khắc phục hiệu quả như thiên tai; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một số địa phương…
“Những vấn đề này nếu giải quyết không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tình hình thế giới có nhiều bất ổn cũng ảnh hưởng đến sản xuất trong nước”, Phó thủ tướng cho hay.
Theo đó, để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và kế hoạch cả năm, Phó thủ tướng cho biết các bộ, ngành phải tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với thực tế địa phương, vùng, nhưng cũng phải phù hợp với thị trường trong nước và thế giới. Tính toán cụ thể đóng góp của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu vào GDP
Liên quan tới việc cải thiện bộ máy, tăng hiệu quả hoạt động, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nhiều bộ, ngành nhắc tới đổi mới đơn vị sự nghiệp, tinh giảm biên chế. Nhưng sau hơn ba năm (từ tháng 2/2015), nhiều nơi vẫn chưa thực sự dứt khoát.
Bộ trưởng Tài chính cho rằng tốc độ như hiện nay là quá chậm, nếu không cải thiện sẽ khó có thể thực hiện đúng mục tiêu đề ra, từ đó rất khó tạo cơ sở để thực hiện cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội.
“Bộ Tài chính đã quyết định giải thể 43 phòng giao dịch các chi cục thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh từ 1/6 và tiếp tục sắp xếp, rà soát các chi cục thuế, hải quan, tổng cục dự trữ... Chúng tôi cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 50% chi cục thuế”, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Nói về việc kiểm soát hoạt động ngân hàng tăng trưởng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định hoạt động của hệ thống ngân hàng đang diễn ra tích cực với việc kiểm soát tốt tình hình lạm phát, tỷ giá và lãi suất…
Tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất và ưu tiên theo mục tiêu của Chính phủ. Tính đến 26/6, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6,9% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,7% chiếm 16,3% tổng tín dụng; nông nghiệp phát triển nông thôn tăng 7,2% chiếm 21%; DN vừa và nhỏ tăng 3% chiếm tỷ trọng gần 21%... Ngoài ra các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng được kiểm soát và duy trì tỷ trọng thấp như đầu tư chứng khoán hay kinh doanh bất động sản chiếm dưới 6%.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thì cho biết sản xuất công nghiệp và thương mại tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP chung. Đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng 13,02%, là mức cao nhất trong vòng 7 năm gần đây (theo số liệu của Tổng cục Thống kê).
Dự kiến 2 quý cuối năm sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng và đóng góp thêm vào GDP cả nước với một số ngành dư địa phát triển tốt, có thể đạt mức cao như điện, thép, dầu khí, hàng sản xuất…
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ, các tư lệnh ngành đều khẳng định để đạt được kế hoạch tăng trưởng đề ra đầu năm, các bộ, ngành cần tập trung vào nhóm vấn đề lớn chính là tháo gỡ khó khăn vướng mắc hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ở các dự án lớn, địa bàn trọng điểm về sản xuất công nghiệp và thương mại. Bên cạnh đó là cắt giảm điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước với những tập đoàn, tổng công ty lớn như PVN, TKV, EVN, Vinachem... cần được đẩy nhanh.