Phát biểu trước các nhà lãnh đạo một số quốc gia châu Phi tại hội nghị ở Yokohama, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh rằng Tokyo đang đẩy mạnh "xuất khẩu và đầu tư các cơ sở hạ tầng chất lượng".
"Chính phủ nên làm gì để khuyến khích (doanh nghiệp) phát huy thế mạnh của họ?", ông Abe đưa ra câu hỏi tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi (TICAD).
"Nếu các quốc gia đối tác chìm trong nợ nần, nó sẽ cản trở nỗ lực thâm nhập thị trường của các nước", thủ tướng Nhật nói. Đồng thời, ông giới thiệu các chương trình cấp vốn và bảo hiểm của các tổ chức do chính phủ Nhật Bản bảo trợ nhằm giảm rủi ro cho các doanh nghiệp và ngân sách của các nước.
Ông cũng cho biết Nhật Bản có kế hoạch đào tạo chuyên gia cho 30 quốc gia châu Phi về quản lý rủi ro và nợ công trong 3 năm tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi (TICAD) ở Yokohama, Nhật Bản, hôm 29/8. Ảnh: AP. |
Trung Quốc thông qua sáng kiến "Vành đai, Con đường" đầy tham vọng của mình đang tăng cường hiện diện ở châu Phi.
Năm 2018, nước này đã cam kết sẽ cung cấp 60 tỷ USD để hỗ trợ châu Phi phát triển.
Đề xuất của Tokyo được đưa ra sau khi ông Abe đặt mục tiêu tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản tại thị trường châu Phi đầy hứa hẹn, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn phải cảnh giác với các rủi ro tài chính và các vấn đề khác.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích nặng nề vì Bắc Kinh được cho là chú trọng các công ty và lao động Trung Quốc hơn nền kinh tế địa phương. Điều này khiến các quốc gia phải gánh các khoản nợ và hứng chịu các vấn đề môi trường.
Nhật Bản khẳng định các khoản vay và dự án của nước này "ít bị ràng buộc hơn, đi kèm với các lời khuyên và hỗ trợ về tài chính".
Từ năm 1993, Nhật Bản đã phối hợp với các nước châu Phi tổ chức hội nghị TICAD khoảng 5 năm một lần, mở ra các cơ hội kinh doanh và viện trợ.
Nhật Bản đang nỗ lực để tăng các khoản viện trợ nước ngoài, đặc biệt chú trọng khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào châu Phi.