Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một năm thương chiến, TQ đã biết cách đối phó với TT Trump thất thường

Tổng thống Trump có thể nghĩ các nhà đàm phán Trung Quốc phải hạ giọng, lúng túng trước những phát ngôn mạnh miệng của mình. Nhưng Trung Quốc lại nghĩ khác.

Hơn một năm sau khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, các quan chức và giới quan sát Trung Quốc nói họ đã nắm rõ cách làm việc của vị tổng thống Mỹ luôn “đấu khẩu” trên Twitter và không còn lo ngại sự bất thường của ông.

“Mọi người đã mệt mỏi với ‘nghệ thuật thương thuyết’ của Tổng thống Trump”, Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, và là cố vấn cho chính phủ, nói với Washington Post.

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 1
Cuộc thương chiến đã diễn ra hơn một năm, các quan chức Trung Quốc nói đã nắm rõ cách đàm phán khó hiểu và dễ thay đổi của tổng thống Mỹ. Ảnh: AP.

"Hôm nay nói thế này, hôm sau lại thế khác"

“Như đi tàu lượn. Bueno Aires, Osaka, Thượng Hải. Hôm nay nói thế này, hôm sau lại làm thế giới ngỡ ngàng”, ông Wang nói, nhắc đến những nơi đã diễn ra đàm phán thương mại cấp cao vẫn chưa mang lại kết quả giữa hai bên. “Càng đàm phán với ông ấy, thế giới càng hiểu ra”.

Nhưng tại hội nghị G7 ở Biarritz, Pháp cuối tuần qua, ông Trump lại gạt đi những chỉ trích cho rằng phong cách khó đoán, thất thường của ông đang gây thiệt hại cho kinh tế thế giới.

“Xin lỗi! Đó là cách tôi đàm phán”, ông nói với các phóng viên. “Rất hiệu quả nhiều năm rồi, và cũng sẽ hiệu quả với nước Mỹ”.

Nhưng cách đàm phán đó chưa thể khiến Trung Quốc cam kết thực hiện một số thay đổi mang tính cấu trúc mà Mỹ đã đòi hỏi từ lâu, như vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thay vào đó, thương chiến vẫn tiếp tục leo thang. Các lệnh đánh thuế của ông Trump tới ngày 15/12 sẽ áp dụng cho 97% hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ, theo kinh tế gia Chad Brown của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Ông Trump lập luận rằng thuế của Mỹ làm giảm nhu cầu hàng Trung Quốc, khiến 3 triệu công nhân Trung Quốc mất việc và gây áp lực để ông Tập phải đồng ý thỏa thuận.

Nhưng lập luận đó không mấy thuyết phục với phía Trung Quốc.

“(Phía Trung Quốc) đã kết luận ông Trump là một người hay thay đổi, không biết mình muốn gì và dễ ‘giật mình’ mỗi khi cổ phiếu rớt giá hoặc có ai đó cáo buộc ông không mạnh mẽ”, Arthur Kroeber, giám đốc công ty tư vấn Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, nói với Washington Post.

“Dù Trung Quốc đang gặp những vấn đề, họ tin rằng nền kinh tế của họ vẫn trong tầm kiểm soát tốt hơn là kinh tế của ông Trump. Họ tin rằng ông Trump dễ yếu thế hơn khi kinh tế chững lại, và họ hoàn toàn có thể đợi đến hết nhiệm kỳ của ông ấy”.

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 2
Ông Trump lập luận rằng thuế của Mỹ giảm nhu cầu hàng Trung Quốc, khiến 3 triệu công nhân Trung Quốc mất việc. Ảnh: AFP.

Trung Quốc gồng mình tiếp tục thương chiến

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bước sang giai đoạn mới và nguy hiểm trong tháng này, với các vòng đánh thuế mới từ cả hai bên, và lời kêu gọi công ty Mỹ rời Trung Quốc của ông Trump.

Sự leo thang đó đang gây lo ngại sẽ đẩy các nền kinh tế lớn vào tình trạng suy thoái. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cũng đã chững lại, xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ.

Một số nền kinh tế lớn ở các châu lục, như Argentina và Italy, đã rơi vào “suy thoái”, theo định nghĩa phổ biến là khi sản lượng kinh tế giảm hai quý liên tiếp, còn số khác đang “xếp hàng” trước bờ vực suy thoái khi sản lượng đã giảm một quý (Brazil, Singapore, Anh, Đức).

Các quan chức Trung Quốc ban đầu khó hiểu trước phong cách phi truyền thống của ông Trump. Và Chủ tịch Tập được cho là đã bị chỉ trích vì đánh giá thấp quyết tâm của tổng thống Mỹ trong việc thay đổi chính sách thương mại của Trung Quốc.

Nhưng sau các cuộc họp kín ở khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà tuần trước, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã quyết định sẽ gồng mình tiếp tục cuộc chiến thương mại với Mỹ.

“Gọi ông Tập Cận Bình là ‘người bạn tốt’, ‘lãnh đạo tốt’ có ý nghĩa gì khi ông Trump vẫn cứ tăng thuế?”, Yao Xinchao, giáo sư thương mại ở Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh, nói với Washington Post. “Ông ta ngoài 70 mà nói chuyện như đứa trẻ 7 tuổi. Chúng ta giờ đây không thể nghe lời ông ta nữa. Tôi nghĩ giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận ra rồi”.

Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Renmin, Bắc Kinh, có chung quan điểm. “Ông ta là một ông trùm bất động sản; trong mắt người Trung Quốc ông vẫn là một người luôn chỉ vì lợi nhuận”, ông nói.

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 3
Tại hội nghị G7 ở Biarritz, Pháp cuối tuần qua, ông Trump lại gạt đi những chỉ trích cho rằng phong cách khó đoán, thất thường của ông đang gây thiệt hại cho kinh tế thế giới. Ảnh: AFP.

Nhưng Trung Quốc cũng đang chịu sự chững lại về kinh tế và mong muốn một thỏa thuận.

“Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nên được giải quyết thông qua đối thoại và trao đổi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ngày 27/8, và cho biết thêm “cách tiếp cận gây áp lực tối đa của Mỹ sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên và không có tính xây dựng chút nào”.

“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ kiềm chế, suy tính một cách hợp lý và thể hiện thiện chí để tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi tiếp theo dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”, ông nói.

Bản chất của ông Trump là thay đổi liên tục

Câu hỏi quan trọng nhất bây giờ làm sao hai bên có thể thoát khỏi vòng xoáy “ăn miếng trả miếng” và tìm đường đi đến một thỏa thuận.

Wei Jiangou, cựu thứ trưởng Thương Mại Trung Quốc, nói cách ông Trump “đe nẹt” các nước như Canada, Mexico và Nhật Bản sẽ không có tác dụng với Trung Quốc.

“Chúng ta đã thấy và nắm được phong cách của ông Trump”, ông Wei nói với  Washington Post. “Nếu ông ấy nghĩ mình có thể giành lợi thế cho Mỹ và làm Trung Quốc kiệt quệ bằng nhiều biện pháp gây áp lực, thì ông ấy đang mơ giữa ban ngày. Đó là điều không thể”.

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 4
Gọi ông Tập Cận Bình là ‘người bạn tốt’, ‘lãnh đạo tốt’ không có mấy ý nghĩa nếu ông Trump vẫn cứ tăng thuế, theo giáo sư Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Căng thẳng thương mại càng kéo dài, Trung Quốc càng tin rằng các thỏa thuận, nếu có đạt được, sẽ không được giữ vững.

“Bây giờ Trung Quốc đã hiểu được ông Trump và biết bản chất của ông là thay đổi liên tục”, ông Wang từ đại học Renmin nói. “Ngay cả nếu một thỏa thuận được ký kết, có thể ông ấy sẽ không thực hiện triệt để. Nhưng chừng nào chưa có thỏa thuận, ông ấy lại hết lần này tới lần khác (gia tăng căng thẳng), và đó là điều rất khó chịu”.

Giới phân tích cho rằng sẽ không có nhượng bộ nào trong chiến tranh thương mại cho đến ít nhất là tháng 11, khi hai lãnh đạo Mỹ - Trung gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Chile.

Hiện tại, ông Tập Cận Bình cũng không muốn nhượng bộ trước sức ép từ Mỹ, nhất là ngay giữa các sự kiện nhạy cảm trong nước. Bắc Kinh đang phải ứng phó với biểu tình quy mô lớn kéo dài hơn 10 cuối tuần liên tiếp ở Hong Kong, và lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc sắp diễn ra đầu tháng 10.

Dự hội nghị G7 - nhớ ‘rào trước đón sau’ khi phản bác TT Trump

Các nguyên thủ đã vận dụng sự hài hước, nhẹ nhàng nhất có thể tại hội nghị G7 dù còn nhiều bất đồng từng khiến hội nghị trước đây kết thúc trong ồn ào.

Tranh cãi việc bộ trưởng Mỹ đặt tiệc tại khách sạn của TT Trump

Ông Trump đã vấp phải chỉ trích và nghi vấn kể từ ngày đầu làm tổng thống vì nguy cơ các quan chức, chính phủ nước ngoài có thể đặt phòng ở khách sạn Trump nhắm hối lộ trá hình.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm