Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự hội nghị G7 - nhớ ‘rào trước đón sau’ khi phản bác TT Trump

Các nguyên thủ đã vận dụng sự hài hước, nhẹ nhàng nhất có thể tại hội nghị G7 dù còn nhiều bất đồng từng khiến hội nghị trước đây kết thúc trong ồn ào.

Dù vậy, đằng sau hậu trường, Tổng thống Trump vẫn bất đồng với các lãnh đạo thế giới về các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu, Triều Tiên, Nga và Iran.

Biết tính của tổng thống Mỹ, nên bằng cách nhẹ nhàng nhất có thể, các lãnh đạo G7 cố gắng hướng ông Trump theo quan điểm của họ về các vấn đề cấp bách nhất của thế giới.

Dù không thể thuyết phục ông Trump, họ vẫn muốn thể hiện cái nhìn khác biệt của mình, gói ghém trong nhiều lớp lời lẽ hoa mỹ, khen ngợi mà họ biết tổng thống Mỹ rất thích - “như gói trong một lớp bánh crepe Pháp”, New York Times ví von.

hoi nghi G7 nam 2019 anh 1
Với nhiều bất đồng chủ yếu giữa Tổng thống Trump và các lãnh đạo thế giới khác, hội nghị G7 được theo dõi sát, nhất là sau những ồn ào của các hội nghị trước. Ảnh: New York Times.

Tranh luận với ông Trump chỉ phản tác dụng

Nhưng khó biết được liệu ông Trump có tiếp nhận thông điệp của họ không.

Cũng giống một số tổng thống khác, thậm chí còn hơn thế, ông Trump có xu hướng chỉ nghe những gì mình muốn nghe ở những hội nghị như G7 và gạt bỏ mọi tiếng nói khác.

Các lãnh đạo hiểu rằng tranh luận trực tiếp với ông Trump có thể phản tác dụng, nên họ cố gắng khéo léo nhất có thể với các bất đồng.

Ngay cả ông Boris Johnson, Thủ tướng mới theo chủ nghĩa dân túy ở Anh luôn được ông Trump ca ngợi, cũng phải nhẹ nhàng. Ngày 26/8, ông tỏ ý hoài nghi cuộc chiến tranh thương mại của ông Trump với Trung Quốc, nhưng dường như tìm mọi cách để không làm mếch lòng tổng thống Mỹ.

Hai ông gặp lần đầu kể từ khi ông Johnson lên lãnh đạo nước Anh cách đây một tháng. Ông Trump phủ nhận việc các lãnh đạo khác đang lo ngại về cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt của mình.

“Tôi có nghe thấy gì đâu (về lo ngại của các lãnh đạo), không có gì, tôi nghĩ họ tôn trọng chiến tranh thương mại”, ông Trump nói. “Làm gì có ai bảo tôi như thế và cũng sẽ chẳng ai nói thế đâu”.

Nhưng sự thật không hẳn như vậy. Ông Johnson đã nêu lo ngại, dù theo cách nhẹ nhàng, tế nhị nhất có thể.

“Chúng tôi có chỉ muốn nêu ra một điểm nhỏ, nhẹ nhàng nữa về cuộc chiến thương mại - là chúng tôi mong sự ổn định tổng thể và giảm căng thẳng thương mại nếu có thể”, thủ tướng Anh phát biểu, với sự cẩn trọng đáng kể trong ngôn từ.

hoi nghi G7 nam 2019 anh 2
Ông Boris Johnson (phải) cũng nhẹ nhàng khi nhắc tới chiến tranh thương mại. Ảnh: New York Times.

Ông Trump tạm ngưng mọi phàn nàn

Về phần mình, ông Trump đa phần tuân theo các phép lịch sự ngoại giao, hạn chế tweet phê phán những người đồng cấp và tạm dừng các lời phàn nàn về mức chi tiêu quốc phòng của các nước hay chính sách kinh tế của họ.

Ông cũng không nhắc lại lời chỉ trích của các cố vấn rằng chủ nhà Pháp lặp đi lặp lại các “vấn đề nhỏ” như biến đổi khí hậu hay phát triển ở châu Phi thay vì kinh tế toàn cầu.

Dù là người thích “hơn thua”, ông thường tránh cãi nhau trực tiếp mà để dành điều đó cho mạng xã hội.

Hội nghị đã kết thúc và ai cũng mong tránh những khẩu chiến ồn ào như ở hội nghị G7 năm ngoái tại Canada, khi tổng thống Mỹ một mực không ký tuyên bố chung và công kích chủ nhà, Thủ tướng Justin Trudeau.

“Đến giờ thì đây thực sự là hội nghị G7 tuyệt vời”, ông Trump nói một cách nhiệt tình ngày 25/8, “và tôi muốn chúc mừng Pháp và tổng thống nước bạn vì đã tổ chức thành công”.

Ông nói bữa trưa với Tổng thống Macron là “1,5 tiếng tuyệt nhất mà tôi từng có với ông ấy” và bữa tối ngày 24/8 với các lãnh đạo khác là “tuyệt vời”. Ông cũng khen Thủ tướng Anh Boris Johnson “đúng là người phù hợp với cương vị”.

Dù vậy, bữa tối vẫn có cuộc tranh luận “sôi nổi” về mong muốn đưa Nga trở lại nhóm G7, 5 năm sau khi nước này bị loại khỏi nhóm vì sáp nhập Crimea bằng vũ lực. Các lãnh đạo khác đã từ chối điều này.

Là chủ nhà của G7 năm sau, ông Trump có thể mời Nga đến dự như quan sát viên, nhưng ông nói chưa quyết định điều này.

“Tôi nghĩ thế cũng có cái hay”, ông trả lời một cách chung chung. “Tôi nghĩ đó là điều tích cực. Một số người khác sẽ đồng tình với tôi, và một số người cũng không đồng ý”.

Thảo luận bữa tối đó cũng chú trọng vào Iran, vấn đề chia rẽ ông Trump và các đồng minh Mỹ. Ông Macron đã cố cứu vãn thỏa thuận, và sau buổi đó, các lãnh đạo chỉ đồng thuận ở một điểm: Iran không nên có vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Iran cũng được mời tới Biarritz dự hội nghị, khiến mọi người ngạc nhiên.

hoi nghi G7 nam 2019 anh 3
Tổng thống Trump trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi các lãnh đạo chụp ảnh chung. Ảnh: New York Times.

“Ừ thì tôi đồng ý với ông”

Tổng thống Trump cũng có bất đồng với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về hàng loạt cuộc thử tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên. Ông Trump coi nhẹ các cuộc thử, và dù ông “không hài lòng” với chúng, ông nói lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un “đã không vi phạm thỏa thuận”.

Nhưng dù ông Trump không quan tâm đến tên lửa tầm ngắn, ông Abe lại lo ngại vì chúng có thể nhắm tới Nhật, và nói các cuộc thử “rõ ràng vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Dù vậy ông Abe vẫn không muốn làm mếch lòng ông Trump, sau khi hai lãnh đạo đồng ý về nguyên tắc cho một hiệp định thương mại mới. “Tôi muốn khẳng định rằng chúng tôi vẫn cùng quan điểm về Triều Tiên”, ông nói.

“Sau cùng, chúng tôi vẫn luôn cùng quan điểm”, ông Trump trả lời.

Trong lần đầu tiên gặp tổng thống Mỹ như một người đồng cấp, Thủ tướng Anh Boris Johnson dù nói về chiến tranh thương mại nhưng cũng “rào trước đón sau” bằng những lời khen.

“Tôi cũng muốn chúc mừng tổng thống về mọi thành tựu mà kinh tế Mỹ đang đạt được”, ông Johnson nói.

Sau lời khen, ông khẳng định lập trường về thương mại. “Chúng tôi nhìn chung không thích thuế”, ông phát biểu. “Nước Anh đã hưởng lợi khổng lồ trong 200 năm nay từ tự do thương mại và đó là điều mà chúng tôi hướng đến”.

Ông Trump giữ nụ cười, nhưng vẫn không thể không phản ứng lại.

“Còn trong ba năm nay thì sao?” ông nói, nêu lập luận của mình về kinh tế Anh. “Nếu không nói về ba năm nay, mà nói về 200 năm, ừ thì tôi đồng ý với ông”.

Ông Johnson chỉ cười và không tranh luận nữa. Mọi bất đồng sẽ để dành cho đến khi ống kính rời đi.

Cơn bão suy thoái đã 'gõ cửa' một loạt nền kinh tế lớn

Trong tuần qua, Đức tăng trưởng âm, Argentina sụp đổ thị trường, “chim báo bão” Singapore bên bờ vực suy thoái. Tất cả khiến bất thường trên thị trường trái phiếu Mỹ càng đáng sợ.

Tổng thống Pháp gây khó xử khi nhiệt tình đẩy vấn đề Iran ở G7

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố các lãnh đạo G7 đã đồng ý gửi thông điệp chung tới Iran trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nước nào làm việc của nước ấy.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm