Tới chiều qua, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 8 phiếu chất vấn và 17 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Chưa kể 3 phiếu chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch mới chuyển tới bàn tôi sáng nay", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu đọc báo cáo tổng hợp các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, lúc 9h sáng nay.
Nhìn lại tình hình kinh tế xã hội 11 tháng năm nay, Thủ tướng cho biết, trong tháng 10 và tháng 11, tình hình tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng khoảng 0,1-0,2%, 11 tháng tăng 0,6-0,7%, ước cả năm tăng dưới 2%. Dư nợ tín dụng 11 tháng tăng 14,5-15%, cả năm tăng trên 17%.
Xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 149 tỷ USD, tăng 8,5%. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 13,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 94,1% dự toán, tăng 8,3%; chi ngân sách đạt 88,4% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
"Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2015, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn sáng 18/11. Ảnh: Thắng Nguyễn. |
Nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong hai ngày qua, các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Trịnh Ngọc Phương, Võ Kim Cự chất vấn đề nghị Thủ tướng nói rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
"Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường. Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tự do, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường", Thủ tướng nói.
Để thực hiện nội dung nêu trên, Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như hoàn thiện thể chế, luật pháp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt lạm phát; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính.
Thực hiện cam kết lao động theo hiệp định TPP
Thủ tướng cho biết, ông nhận được chất vấn từ các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Vinh, Võ Kim Cự về vấn đề lao động trong TPP. Thủ tướng khẳng định, cách tiếp cận của Việt Nam là người lao động, với tư cách là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, trước hết phải được hưởng thành quả của quá trình hội nhập.
Là một Hiệp định FTA thế hệ mới, TPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia thành viên TPP duy nhất được có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định). Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.
Sau khi Hiệp định được phê chuẩn, đối với nội dung về lao động, Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của ILO.
Thủ tướng khẳng định, việc thực hiện TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của ILO mà Việt Nam là một thành viên. Việc này không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Hợp tác bình đẳng đồng thời đấu tranh bảo vệ chủ quyền
10h10 sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc phần đọc báo cáo trước Quốc hội. Ông trả lời thêm câu hỏi của các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), Lê Nam (Thanh Hóa).
Hôm qua, đại biểu Lê Nam đã đặt câu hỏi: "Trước việc Trung Quốc bồi đắp, xâm lấn trên Biển Đông, Thủ tướng và Chính phủ có biện pháp nào?". Trong khi, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: "Cử tri yêu cầu không vay tiền của Trung Quốc. Nhận viện trợ và vay ODA của Trung Quốc thì dù có rẻ nhưng sau này có kiện về vấn đề lãnh thổ được không?".
Theo Thủ tướng, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông đã nhiều lần trình bày tại Quốc hội, lập trường quan điểm chủ trương của Đảng và nhà nước là rõ ràng, nhất quán và đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn không ít khó khăn thách thức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh lại 3 điểm: Thứ nhất, chúng ta chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị để hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực.
"Đồng thời, tôi xin nhấn mạnh chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của đảng, hiến pháp, pháp luật của nhà nước cũng như hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế nhất là Công ước Luật biển UNCLOS 1982 của Liên hợp quốc và các cam kết khu vực nhất là Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC", Thủ tướng nói.
Thứ ba, đồng thời với phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam phải tăng cường quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta. Gìn giữ hòa bình ổn định để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc.
10h20 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc phần trả lời chất vấn tại Quốc hội, không có nội dung chất vấn trực tiếp tại nghị trường.
Theo chương trình dự kiến trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có 75 phút cho phần chất vấn của mình (10h-11h15). Tuy nhiên, sáng nay Thủ tướng đăng đàn sớm từ 9h và kết thúc lúc 10h15. Trừ thời gian giải lao thì phần chất vấn Thủ tướng thực tế chỉ hơn 40 phút.
“Phiên chất vấn kết thúc hơi đột ngột, nếu có thời gian để vài đại biểu đặt câu hỏi như lần trước và Thủ tướng trả lời trực tiếp thì hay hơn”, đại biểu Lê Như Tiến nói với Zing.vn.
Trao đổi với Zing.vn ngay sau phiên chất vấn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, người đặt câu hỏi với Thủ tướng cho hay:
"Thủ tướng trả lời mang tính nguyên tắc, tôi muốn nghe một câu trả lời trực tiếp hơn. Tất nhiên, khi Thủ tướng trả lời như vậy thì chắc đã có sự cân nhắc nhất định của người lãnh đạo. Có thể ở một diễn đàn khác, Thủ tướng sẽ thảo luận sâu hơn.
Nhưng quan trọng nhất, tâm tư, lo lắng của cử tri, nhân dân đã được chuyển tải trực tiếp tới Quốc hội, tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Xa hơn, sâu hơn, tôi mong muốn nguyện vọng đó được đáp ứng bằng chủ trương, chính sách, hành động của lãnh đạo trong thời gian tới. Đó là mục đích chất vấn và cũng là của cá nhân tôi".