Chiều 28/9, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân trong chủ đề Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 nông dân xuất sắc, đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước.
Tư duy sản xuất lớn
Phát biểu khai mạc, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam, cho biết hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Hội nghị diễn ra tại miền Trung - Tây Nguyên vì đây là khu vực không chỉ được Đảng, Nhà nước xác định có tầm chiến lược về an ninh quốc phòng mà còn có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng nông nghiệp sạch tại hội nghị. Ảnh: T.N. |
Trong đó, khu vực này có các thế mạnh, tiềm năng về kinh tế biển, dịch vụ du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm…
Hội nghị đã đề xuất giải pháp, chính sách khuyến khích nông dân rời bỏ mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chuyển sang tư duy sản xuất lớn, hình thành các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích nông dân thành lập doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm còn chậm dẫn đến việc lãng phí về cơ hội, tiềm năng đất đai, lao động và nguồn lực xã hội.
Trụ đỡ của nền kinh tế
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện lực lượng lao động của Việt Nam rất dồi dào, có tới 65% nông dân sinh sống ở nông thôn. Do đó, cơ quan chức năng cần đầu tư phát triển nhân lực, phát huy thế mạnh, tiềm lực này.
Tinh thần nông nghiệp, nông thôn Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước qua các thời kỳ.
Đặc biệt, dịch Covid-19 xảy ra khiến nền kinh tế cả thế giới tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng, trong đó có trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp, nông thôn.
Theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã phát triển ở giai đoạn cao, rất đáng mừng. Cơ bản trong năm nay, nông nghiệp được mùa, trúng giá, “có thể nói một nền nông nghiệp thắng lợi toàn diện”.
Đặc biệt, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt tới 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu châu Á về xuất khẩu.
Về nông thôn mới, cả nước đã đạt mục tiêu hơn 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương đặt mục tiêu 63% xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.
“Chúng ta đang hình thành lớp nông dân mới, Chính phủ rất tự hào về điều này, chưa bao giờ khu vực nông nghiệp, nông thôn từ đồng bằng đến miền núi có sự tăng trưởng tốt như vậy”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam còn nhiều việc cần phải làm, để tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Trong đó, Việt Nam có tỷ lệ chế biến các mặt hàng nông sản còn thấp, như cà phê mới 12%. Vốn liếng còn khó khăn, tín dụng tăng trưởng 6% nhưng người dân chưa được hưởng lợi nhiều.
Ngoài ra, tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng cũng còn nhức nhối, gây khó khăn trong sản xuất của nông dân.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng cần khuyến khích phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường của nông dân; suy nghĩ phải làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, từ đó giải quyết tốt các vấn đề ở nông thôn.
Thủ tướng chủ trì buổi đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: T.N. |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu nhưng nông nghiệp vẫn phát triển mạnh, đạt 2,6%, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Nhà nước vẫn luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân với nhiều chương trình, chính sách như nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cơ sở vật chất, sản xuất…
Thủ tướng chỉ đạo phát triển nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên; ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 vào sản xuất; siết chặt liên kết 6 nhà; phát huy văn hóa truyền thống nông thôn Việt Nam; đảm bảo an ninh, an toàn cho nông dân, đẩy lùi tín dụng đen, hàng giả, hàng nhái.
Sau buổi đối thoại lần này, cơ quan chức năng cần giải quyết vấn đề vốn, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất vươn lên làm giàu; giải quyết vấn đề đất đai, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.