Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Không đổi mới là chết'

Chỉ đích danh các bộ, ngành giữ lợi ích cục bộ trong quy hoạch ngành, Thủ tướng đòi hỏi các đơn vị đổi mới cách làm, đổi mới tư duy.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch Đầu tư sáng nay (11/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đổi mới không dễ, nhưng nếu không đổi mới là chết. Ông yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư phải có tư duy kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế. 

“Ông nào cũng muốn giữ quyền của ngành mình”

Thủ tướng nhắc lại năm 2016, đất nước gặp nhiều khó khăn do cả thiên tai và nhân tai. Chỉ riêng các cơn bão, lũ nối tiếp ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ vừa qua đã gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD.

‘Doi moi khong de nhung khong doi moi la chet’ anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế của ngành kế hoạch đầu tư. Ngành có nhiều cố gắng nhưng những chiến lược lớn vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả, một số nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ này còn chưa hoàn thành tốt.

Thủ tướng cho rằng công tác phối hợp giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư với các bộ, ngành khác và địa phương trong điều hành kinh tế vĩ mô còn nhiều hạn chế, khi vẫn còn tình trạng “nói qua, nói lại nhiều quá”.

Đơn cử, với dự thảo Luật Quy hoạch, vẫn còn có các ý kiến khác nhau giữa một số Bộ khi dự thảo Luật được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/1.

“Ông nào cũng muốn giữ quyền của ngành mình. Tư duy như vậy làm sao được? Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng chưa thuyết phục tốt chứ 'nói phải củ cải cũng nghe'. Chính phủ sẽ kiểm điểm vấn đề này với các cơ quan liên quan”, người đứng đầu Chính phủ nói.

 

Thủ tướng chỉ đích danh các bộ, ngành giữ lợi ích cục bộ trong quy hoạch ngành là Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên Môi trường...

Ông cũng chỉ thêm một bất cập của ngành là công tác dự báo còn nhiều vấn đề. Tinh thần sát dân, sát cơ sở, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thẳng thắn còn ít. Một bộ phận của Bộ tư duy ít thay đổi, vẫn tư duy cũ.

“Đổi mới không dễ nhưng không đổi mới là chết”

Thủ tướng nêu rõ Bộ Kế hoạch Đầu tư là đơn vị soạn thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ, nên “phải đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết này”. Ông yêu cầu phải đổi cách làm, đổi mới tư duy.

“Đổi mới là khó nhưng không đổi mới cách làm, đổi mới tư duy, tiếp tục tinh thần bao cấp, quan liêu là chết”, Thủ tướng khẳng định.

Ông đồng thời dẫn chứng nếu như làm 10 cái nhà 50 tầng ở Giảng Võ (Hà Nội) thì nói như Bí thư Hoàng Trung Hải, sẽ là một thảm họa đang đến với Hà Nội.

“Chưa làm đã tắc đường thì làm nữa sẽ đi đường nào? Không phải là cấm nhà cao tầng, mà chính là hạ tầng xung quanh khu này như thế nào. Phải làm hạ tầng thì mới làm nhà cao tầng. Quy hoạch phải theo đúng tiêu chí quy hoạch.”, ông phân tích. 

Một nhiệm vụ khác được Thủ tướng giao cho Bộ là rà soát để tinh gọn hiệu quả hơn nhân sự, cán bộ ở 31 vụ, cục và các đơn vị trực thuộc.

“Bộ Công Thương đã bắn phát súng khai mào, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cần hưởng ứng, bởi chính Bộ này là cơ quan được giao chủ trì, soạn thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Hơn ai hết, bản thân ngành kế hoạch đầu tư phải tiên phong trong tái cơ cấu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tư duy của nhà lập kế hoạch phải thay đổi trước một bước. Việc lập kế hoạch phải dựa theo các quy luật của nền kinh tế thị trường trên tinh thần kiến tạo, chứ không phải tiện cho việc quản lý, kiểm soát, kìm hãm, tạo cơ hội xin - cho.

Thủ tướng còn nhắc lại vai trò của Bộ Kế hoạch Đầu tư trong việc tham mưu lập kế hoạch phân bổ vốn đầu tư cho Chính phủ, tham mưu việc sử dụng "đồng tiền hạt gạo" của người dân, tham mưu cho Chính phủ về việc tháo gỡ các nút thắt cho sự phát triển.

“Một kiến trúc sư giỏi là trong điều kiện nguồn lực eo hẹp nhất vẫn có thể đưa ra một thiết kế tốt nhất. Chúng ta đang trong bối cảnh nguồn lực eo hẹp thì cách tính toán nào cho có hiệu quả nhất? Đó là câu hỏi, một bài toán lớn đặt ra cho Bộ”, Thủ tướng phát biểu.

‘Cần có đội đặc nhiệm tái cơ cấu ở các địa phương’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngoài việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần có đội đặc nhiệm tái cơ cấu ở các địa phương.


Kiều Vui - Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm