Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Cần có đội đặc nhiệm tái cơ cấu ở các địa phương’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngoài việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần có đội đặc nhiệm tái cơ cấu ở các địa phương.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố đang diễn ra sáng nay (28/12), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Cấp thiết cải thiện một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh

Phó thủ tướng cho biết một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh cho thấy Việt Nam đang ở mức trung bình. Chỉ số tốt nhất đứng thứ 60 và có những chỉ số đứng 116-120. Về môi trường kinh doanh, theo World Bank (Ngân hàng Thế giới), Việt Nam hiện xếp hạng thứ 82.

“Có những thủ tục rất tốt như cấp phép xây dựng đứng thứ 24, nhưng khởi sự kinh doanh đứng thứ 121, đặc biệt thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều vẫn đứng 167, giải quyết phá sản là 125”, ông nói.

‘Can co doi dac nhiem tai co cau o cac dia phuong’ anh 1
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rất cần có đội đặc nhiệm để tái cơ cấu các địa phương. Ảnh: VGP. 

Dự thảo Nghị quyết đưa ra mục tiêu thứ hạng rất cụ thể đối với những chỉ số môi trường kinh doanh đang thấp. Theo đó, chỉ số khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 phải đạt 60; thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày có ngắn rút ngắn thêm 30 ngày; thuế có tiến bộ nhưng vẫn còn 540 giờ và phải tiếp tục giảm; giải quyết tranh chấp từ 400 ngày còn 300 ngày…

Về nâng cao năng lực cạnh tranh, dự thảo đặt mục tiêu nâng thứ hạng Việt Nam theo xếp hạng của WEF từ 60 lên vị trí 50. Việc cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo tập trung vào cải thiện những chỉ số còn kém, như thể chế vĩ mô đang ở vị trí 93 trong vài năm sẽ nâng lên khoảng 70.

Theo phó thủ tướng, có tới 80% nhiệm vụ trong Nghị quyết cần sự phối hợp liên ngành. Vì vậy, muốn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cần làm rõ phần việc, trách nhiệm của từng bộ, ngành và cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa ở khâu thực hiện là các địa phương.

“Về thuế, chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản, nhưng thực thi bên dưới còn khoảng cách. Để văn bản xuống đến thực tế, cần các sở, ngành, địa phương vào cuộc cùng trung ương.

Hay trong khởi sự kinh doanh thì đăng ký doanh nghiệp theo văn bản quy định 3 ngày, nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên 5 ngày. Mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn khác nhau”, ông Đam phân tích.

Doanh nghiệp ngại phản ánh do sợ lộ danh tính

Cho rằng vai trò của người đứng đầu trong thực hiện cải cách là rất quan trọng, phó thủ tướng dẫn chứng vừa qua Bộ trưởng Công Thương đã bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng fomaldehyte trong vải, khai báo hóa chất giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công cho doanh nghiệp.

Tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng, quy định bị cho là gây tốn kém rất lớn về thời gian, chi phí chính thức và phi chính thức của doanh nghiệp.

“Bản chất của việc cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thuê dịch vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

‘Can co doi dac nhiem tai co cau o cac dia phuong’ anh 2
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với một số nước trong khu vực (WEF). Ảnh: WEF. 

Ông yêu cầu tăng cường cơ chế, giám sát, đánh giá độc lập huy động các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học tổ chức các đoàn giám sát thực tế, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, đặc biệt tăng cường đầu mối tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

“Ở đây có câu chuyện rất thật là doanh nghiệp nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ. Vì vậy cần có có chế để tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính của doanh nghiệp”, ông Đam nêu thực tế.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ tỷ lệ 0,5% hiện nay lên 5-10% bằng cơ chế hỗ trợ tối đa về hạ tầng công nghệ, truyền thông, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm...

“Cần có đội đặc nhiệm ở các địa phương”

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã trình bày 7 nhiệm vụ cấp bách cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có nhiệm vụ phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết từ 1/1 đến 25/12 đã có 10.205 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có 6.367 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn 5.265, quá hạn 1.102); chưa hoàn thành 3.838 (trong hạn 3.656, quá hạn 182). Như vậy, số nhiệm vụ quá hạn trong năm 2016 chỉ chiếm 2,82%, giảm 22,18% so với cùng kỳ năm trước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bản chất của tái cơ cấu là sắp xếp lại từ đầu tư công, ngân sách Nhà nước tới tổ chức tín dụng, đặc biệt là cổ phần hóa.

“Cần phát huy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề liên quan tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp, và cần có đội đặc nhiệm tái cơ cấu ở các địa phương”, Thủ tướng chỉ đạo. 

Yêu cầu giảm lãi suất, siết thị trường vàng, ngoại tệ

Trong năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu giảm lãi suất trung dài hạn, quản lý thị trường ngoại tệ, vàng hiệu quả hơn.




Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm