Phát biểu trước 2.000 doanh nhân tư nhân tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 chiều 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể ra nhiều lĩnh vực quan trọng có sự đóng góp của khối tư nhân như ngành ôtô, chế biến, chế tạo, xuất khẩu lúa gạo, nông nghiệp….
Tuy nhiên, sự lớn mạnh của khối tư nhân vẫn còn thấp so với tiềm năng. Thủ tướng tin rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên toàn cầu.
Theo người đứng đầu Chính phủ, diễn đàn lần này có sự góp mặt của 2.000 đại biểu là các doanh nhân tư nhân, là cơ hội để Chính phủ, các Ban Đảng, Quốc hội lắng nghe, tiếp thu các phản biện, góp ý để xây dựng văn kiện cho đại hội Đảng lần thứ XIII.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Việt Linh. |
Các câu hỏi cần được nói thật
Mong các doanh nghiệp tư nhân "nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra một loạt câu hỏi gợi mở để các đại biểu thảo luận.
“Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, cạnh tranh toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể mở rộng quy mô vươn lên doanh nghiệp, đóng góp cho mình và xã hội?” - người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi.
Theo Thủ tướng, đây là vấn đề khó nhưng nếu có sự đồng lòng, quyết tâm sẽ thành công. Ông nhấn mạnh khát vọng vươn ra biển lớn là chìa khóa vươn lên, tạo ra nhiều của cải cho xã hội.
Diễn đàn năm nay thu hút 2.000 doanh nhân tư nhân trên cả nước. Ảnh: Việt Linh. |
Ông phân tích khoảng 20-30 năm trước việc phát triển phụ thuộc nhiều vào vốn, thì nay các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo. Việc đổi mới này không chỉ liên quan công nghệ mà còn ở tư duy quản lý.
Vấn đề thứ hai được Thủ tướng nêu ra là việc làm thế nào để tạo đột phá thực sự, giải quyết các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh.
Ông thừa nhận thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn các rào cản, vướng mắc, chưa thực sự kiến tạo các doanh nghiệp, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới.
“Cần phải làm gì với mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, nông nghiệp hữu cơ? Nhà nước và doanh nghiệp cần làm gì với lộ trình ra sao? Cần cơ chế hợp tác công tư trong các ngành, lĩnh vực tiềm năng như thế nào?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
10 chữ cho doanh nghiệp tư nhân
Trong bài phát biểu, người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến tinh thần doanh nghiệp. Ông mong doanh nhân tư nhân cần phải có chí tiến thủ, không bằng lòng mà phải xông xáo tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới. Cần đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý.
Thủ tướng cũng mong doanh nhân tư nhân kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, phát huy vai trò trong phòng chống tham nhũng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn doanh nhân phát huy phong trào yêu nước, đạo đức xã hội và kinh doanh.
“Chúng ta là nước phát triển trung bình, cần thêm lòng yêu nước, giúp dân giàu, nước mạnh, tạo ra sản phẩm và thương hiệu nổi tiếng”, ông nói.
Nhân đây, Thủ tướng cũng dành tặng cho doanh nghiệp tư nhân cả nước 10 chữ: “Bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội”.
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực. Được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, giảm chồng chéo tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Khối tư nhân cũng phải được khích lệ, được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Đồng thời đấu tranh các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh.
Doanh nghiệp tư nhân cũng được trao cơ hội tiếp cận nguồn lực, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, làm ăn trong môi trường thông thoáng, minh bạch.
“Vì đất nước, vì tương lai dân tộc, lãnh đạo doanh nghiệp cần có khát vọng mãnh liệt, quyết tâm khơi dậy tiềm năng của kinh tế tư nhân, trên con đường hiện thực hóa khát vọng dân tộc độc lập, tự cường, thịnh vượng vào năm 2045. Sự lớn mạnh của kinh tế trong nước góp phần lan tỏa sức ảnh hưởng của chúng ta trên toàn cầu”, ông nói.