Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Mục tiêu GDP năm 2021 tăng 6%

Thủ tướng cho biết Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu phát triển trong năm 2021, trong đó, GDP tăng khoảng 6%, CPI bình quân khoảng 4%, năng suất lao động xã hội tăng 4,8%...

Sáng 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng cho biết Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu phát triển trong năm 2021, trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 66%...

Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 đến 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

“Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát triển đất nước phồn vinh, chúng ta hãy đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chung tay hành động quyết liệt, nỗ lực vượt qua thử thách, với tinh thần quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng trưởng cao nhờ nội lực

Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929-1933.

Trong nước, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế xã hội trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020. Ảnh: Hải Quân.

Tuy vậy, Thủ tướng cho biết chúng ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020.

Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH. Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch.

Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về kinh tế, Thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.

Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%.

“Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước được tăng cường, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6%; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27-28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62-63%. Bội chi ngân sách và nợ công được kiểm soát, giảm so với giai đoạn trước.

Các công trình hạ tầng tăng sức cạnh tranh

Theo Thủ tướng, các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016-2019.

Trong năm 2020, 6/11 đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã khởi công; từ nay đến cuối năm, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đưa vào sử dụng; thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; hoàn thành giai đoạn I nâng cấp đường băng của các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn I, chuẩn bị khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

chi tieu phat trien kinh te nam 2021 anh 1

Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Về phát triển văn hoá, xã hội, Thủ tướng ghi nhận đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

“Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam có những chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc được phát huy, thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”, Thủ tướng nói.

Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nhắc đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết dù chúng ta đã nỗ lực phòng chống, bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề. Vừa qua, lũ lụt rất lớn ở miền Trung đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản.

Thủ tướng chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát của đồng bào, người dân vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là những gia đình, người thân, đồng đội của những người dân, công nhân đã mất, của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.

Ông khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ.

Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nhận định vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng.

chi tieu phat trien kinh te nam 2021 anh 2

Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2021 tăng 6%. Ảnh: Hoàng Hà.

Về giáo dục, Thủ tướng cho biết sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay.

“Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước biến động nhanh, phức tạp, nhất là trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội thời gian qua chưa có tiền lệ, chúng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý”, Thủ tướng nói.

Nhận định tổng quát, Thủ tướng đánh giá 2020 là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao.

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ.

Nêu mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh phải phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc.

“Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Cấp ngay 5.000 tấn gạo và 500 tỷ cho 5 tỉnh miền Trung

Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh là 5 tỉnh thiệt hại nặng nề nhất từ trận mưa lũ lịch sử. Mỗi nơi được Chính phủ cấp 100 tỷ đồng để khắc phục khó khăn.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm