Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khai mạc kỳ họp Quốc hội, gần 500 đại biểu họp trực tuyến

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 20/10. Trong đợt 1 diễn ra từ 20-27/10, gần 500 đại biểu Quốc hội sẽ họp trực tuyến qua điểm cầu từ Nhà Quốc hội đến các đoàn ĐBQH.

Sáng 20/10, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV chính thức khai mạc, truyền hình trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ dành phút mặc niệm tưởng nhớ thiếu tướng Nguyễn Văn Man (Phó Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội), cùng các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Rào Trăng. Quốc hội cũng chia sẻ sự mất mát của đồng bào miền Trung, thân nhân cán bộ, chiến sĩ gặp nạn do thiên tai.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung báo cáo của Chính phủ.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 20/10. Ảnh: Hải Quân.

Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Đây là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên bên cạnh việc tập trung thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, kinh tế xã hội, công tác giám sát, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng còn lại trong Chương trình công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác; 12 ngày cho công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.

Quốc hội dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV cùng một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này là xem xét và quyết định công tác nhân sự.

Cụ thể, Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ KH&CN đối với ông Chu Ngọc Anh để nhận nhiệm vụ khác và phê chuẩn bổ nhiệm người thay thế vị trí này.

Quốc hội cũng tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng; phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân sự Thẩm phán TAND Tối cao. Ngoài ra, Quốc hội sẽ bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc vì có quốc tịch thứ hai (Cộng hòa Cyprus) nhưng không báo cáo tổ chức.

Quốc hội mặc niệm thiếu tướng Nguyễn Văn Man và các chiến sĩ

Trong kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày mai, 20/10, Quốc hội sẽ dành phút mặc niệm với thiếu tướng Nguyễn Văn Man và các chiến sĩ hy sinh khi tham gia cứu hộ ở miền Trung.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm