Phát biểu tại hội nghị vào sáng nay (17/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội đã chuẩn bị một hội nghị xúc tiến đầu tư công phu với 900 doanh nghiệp tham dự.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao việc Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài và vươn lên vị trí thứ 2 cả nước, chỉ đứng sau Bình Dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Việt Linh. |
Ông đề nghị Hà Nội cần tiếp tục thu hút đầu tư. Để làm như vậy, chính quyền Hà Nội phải hành động hiệu quả mỗi ngày, có các phương thức kết nối, động viên toàn diện nhân dân và doanh nghiệp đóng góp vào một Hà Nội phát triển.
“Hà Nội rất hay nói “Hà Nội không vội được đâu”, sẽ đổi thành câu “Hà Nội không vội không xong”, Thủ tướng hóm hỉnh nói. Ngay sau đó cả hội trường vỗ tay tán thưởng.
Nhiều thách thức
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn và cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại.
“Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm”, ông nói.
Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội còn nhiều vấn đề quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường một số mặt còn yếu; nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm, đội vốn lớn; nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp còn chậm mới đạt 55,8%; tỷ lệ cấp nước sạch mới đạt 50%.
Hà Nội cũng gặp thách thức về chuyển đổi hiệu quả mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới, thu hút, trọng dụng nhân tài; thách thức về nguồn lực trước yêu cầu phát triển hạ tầng.
Ngoài ra, vấn đề phát triển văn hóa - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Hà Nội. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn. Công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp.
“Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, an toàn thực phẩm… đang là rào cản lớn với môi trường đầu tư của Hà Nội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bày tỏ mong muốn trong thời gian sắp tới, Thủ tướng cho rằng Hà Nội hoàn toàn có thể hướng tới kinh tế có hàm lượng công nghệ cao, hướng tới đô thị văn minh, hiện đại, nhưng không mất đi thủ đô ngàn năm văn hiến, là đầu tàu của cách mạng 4.0 ở Việt Nam.
Ông lưu ý Hà Nội phải làm hết sức mình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết và có những giải pháp tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp làm ăn phát triển ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Khoảng 900 doanh nghiệp đã tham dự Hội nghị "Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển". Ảnh: Việt Linh. |
Đô thị hóa là động lực phát triển mới
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần một kế hoạch tổng thể, tạo bước đột phá trong phát triển với một chiến lược phát triển tốt, bài bản, có tầm nhìn dài hạn. Cần phóng tầm nhìn đến khu vực tiềm năng, quận huyện mới, coi đô thị hóa là động lực phát triển mới.
Về quy hoạch, Thủ tướng lấy ví dụ sự thành công của quận Cầu Giấy. Ông nhắc lại cách đây vài chục năm, Cầu Giấy còn rất nghèo, đến nay, giá trị công nghiệp của Cầu Giấy đã đạt 45.000 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ trên 100.000 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 7.000 tỷ đồng.
“Điều đó nói lên rằng chúng ta có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp cơ cấu kinh tế tương lai, tránh tình trạng dồn hết quỹ đất cho mục tiêu ngắn hạn. Đất đai là cần câu chứ không phải con cá. Hạn chế tối đa địa tô chênh lệch, Nhà nước và nhân dân được nhờ”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Hà Nội quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, cần phát huy vai trò là cái nôi đào tạo nhân tài của cả nước.
“Hiếm có thủ đô nào có nhiều tài năng, có nhiều người đạt giải Olympic quốc tế như Hà Nội. Cần tạo môi trường để nhân tài đi 4 phương trời vẫn hướng về Hà Nội”, ông nói.
Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư cho 71 dự án. Ảnh: Việt Linh. |
Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội quan tâm đến bảo vệ môi trường, chất lượng cuộc sống, có trách nhiệm xã hội bảo đảm cho phát triển bền vững, thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động; quan tâm xây dựng môi trường làm việc tốt hơn nhằm giúp tăng năng suất và tái sản xuất sức lao động”.
“Hà Nội cần phấn đấu 100% nhà vệ sinh trường học, bệnh viện đạt chuẩn”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Cuối cùng, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hãy đến Hà Nội nghiên cứu, khảo sát địa điểm, tìm hiểu cơ hội và lựa chọn các dự án cụ thể để đầu tư.
Ngay tại hội nghị, Hà Nội cũng trao giấy chứng nhận chấp thuận chủ trương đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn gần 400.000 tỷ đồng, tương đương 17 tỷ USD.