Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 20/5.
Mục tiêu được Nghị quyết nêu rõ là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội
Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.
Một là tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý chung, Chính phủ yêu cầu thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh riêng để thúc đẩy quá trình phát triển.
Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 20/5. Ảnh: Thuận Thắng. |
Với yêu cầu bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.
Hai là phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ba là phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Bốn là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số.
Chính phủ lưu ý xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng.
Đến 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc
Nhiệm vụ thứ năm Chính phủ đề cập là phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Trong phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ nhấn mạnh việc đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông. Chính phủ phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tập trung phát triển đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ đi Tây Nguyên; hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện toàn bộ 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Mục tiêu được Chính phủ đề cập là năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Nhiệm vụ thứ sáu là phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong đó, chú ý nâng cao sức khoẻ, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; có giải pháp khắc phục xu hướng già hóa dân số.
Bên cạnh đó, cải cách chính sách tiền lương theo hướng tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương.
Bảy là quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai và tác động của dịch bệnh.
Tám là củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Chín là nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập mang lại, nhất là các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Nhiệm vụ thứ mười là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.
Chính phủ nêu rõ cần đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.
Đi đôi với đó, cần cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.