40/868 ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV là bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Trong chương trình vận động bầu cử, họ đề ra nhiều mục tiêu cụ thể để thực hiện nếu trúng cử đại biểu Quốc hội.
Xử lý nhiều vấn đề bức thiết ở thủ đô
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định từ kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, ông cam kết thực hiện 8 chương trình hành động.
Trong đó, ông đề ra mục tiêu tạo chuyển biến mạnh trong công tác cải cách hành chính, xây dựng Đảng; thu hút đầu tư, thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cam kết thực hiện 8 chương trình hành động. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, Bí thư Hà Nội cam kết xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đề cao tính nêu gương, đặc biệt là người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và văn hóa ứng xử với người dân, doanh nghiệp.
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, Bí thư Hà Nội cam kết tập trung kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường không khí; quản lý, sử dụng tài nguyên; kiểm soát và xử lý nước thải, rác thải; quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị theo hướng thông minh, xanh - sạch - đẹp - bền vững, tạo đột phá về cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm, cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng…
Xóa bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ
Là một trong 5 nữ bí thư tỉnh ủy ứng cử đại biểu Quốc hội, Bí thư Thái Nguyên cam kết thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao phó để mang tới sự hài lòng cho người dân, mang tới sự phát triển vì một tỉnh Thái Nguyên giàu có và phồn thịnh. “Gánh trên vai sự kỳ vọng, tin tưởng của nhân dân, tôi sẽ toàn tâm, toàn ý cố gắng để hoàn thành và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”, nữ Bí thư Tỉnh ủy cam kết.
Bà đặt mục tiêu thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, đảm bảo mọi doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm quan tâm tới Thái Nguyên đều được chào đón, tạo điều kiện tốt nhất.
Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải hứa cương quyết xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội vào năm 2030, bà Hải định hướng sẽ tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp ở khu vực phía nam của tỉnh. Từ đó, lấy thành tựu phát triển của các địa phương khu vực phía nam bù đắp cho khu vực phía bắc, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực.
Bà Hải cũng hứa cương quyết xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, sai quy định pháp luật, xây dựng trái phép, quy hoạch treo; vấn đề ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép...
Là lãnh đạo nữ, bà khẳng định sẽ tích cực tham gia xây dựng các chính sách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, chỉ đạo, lãnh đạo để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ; động viên, khuyến khích và mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cán bộ nữ.
Việc mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính các cấp cũng được Bí thư Thái Nguyên chia sẻ. Đi kèm với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ để giảm thiểu tối đa, và xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ tại địa phương.
Mời gọi, thu hút nhà đầu tư có năng lực về tỉnh
Lần đầu tiên ứng cử, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn cam kết kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí cùng biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Đặc biệt, không để người thân trong gia đình lợi dụng ảnh hưởng của mình để vụ lợi.
Với đặc thù là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 74% và địa hình đồi núi, chia cắt, giao thông đi lại chưa thuận lợi, Hòa Bình cũng là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế tăng trưởng chưa bền vững.
Bí thư Hòa Bình Ngô Văn Tuấn hứa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,5-3%/năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo ông Tuấn, những điều này đặt ra nhiều thách thức. Song, ông hứa dành hết tâm sức để nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tối đa nội lực, khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu để thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,5-3%/năm.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình cũng nêu thông điệp chủ động, tập trung mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm đầu tư về tỉnh, cam kết không gây ô nhiễm môi trường, tích cực đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh
Là một trong những lãnh đạo trẻ, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đề cập mục tiêu kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh sẽ nghiên cứu, tham gia đề xuất xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung ưu tiên: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bí thư Nghệ An Thái Thanh Quý đề ra mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Là Bí thư Tỉnh ủy, ông Quý cam kết chỉ đạo thực hiện ba đột phá phát triển của tỉnh đó là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính; đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là về giao thông, cảng biển, khu công nghiệp gắn với đô thị, dịch vụ, nhằm thu hút các dự án trọng điểm, có tính động lực, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Hình thành hành lang kinh tế mới cho Sóc Trăng
Đại diện cho nhân dân Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn hứa sẽ dành thời gian để gặp gỡ, lắng nghe kiến nghị của cử tri, kịp thời phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ những vấn đề cử tri quan tâm.
Ông cũng nêu thông điệp về thực hành tiết kiệm, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bí thư Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nêu thông điệp về thực hành tiết kiệm, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ảnh: Việt Tường. |
Về định hướng phát triển địa phương, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khẳng định sẽ hành động quyết liệt, vừa xem trọng tính toàn diện, vừa tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt nhằm tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đề cập đến các đột phá chiến lược, ông Mẫn nêu rõ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Cùng với đó, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các tuyến đường vành đai, trục kết nối thành phố Sóc Trăng với các huyện, tuyến đường trục Đông Tây, để hình thành hành lang kinh tế mới của tỉnh.