Trong 500 đại biểu Quốc hội được cơ cấu trong nhiệm kỳ khóa XV, khối doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh dự kiến có 7 người (chiếm 1,4%).
Vận động bầu cử, các ứng viên đại diện khối doanh nghiệp đã đưa ra chương trình hành động liên quan đến chiến lược phát triển khối doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh.
Giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ sau đại dịch
Tiếp tục ứng cử tại Thái Bình, ông Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam), đưa ra 5 cam kết trước cử tri.
Trước hết, ông ưu tiên hàng đầu việc tăng cường, mở rộng các hoạt động tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ tới, đa dạng hóa về mặt hình thức, tăng cường về cả số lượng và chất lượng các cuộc tiếp xúc.
Bên cạnh việc nghiên cứu và tham gia ý kiến về các vấn đề còn dang dở của Quốc hội khóa XIV, ông Thân cho biết sẽ tham gia đề xuất ban hành các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cam kết sẽ tham gia đề xuất ban hành các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Thuận Thắng. |
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Thân cam kết vận động tối đa sự quan tâm của Chính phủ, Trung ương và địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với nhu cầu, khả năng của người dân và doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, ví dụ về đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế số.
Ứng viên này mong muốn thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước, làm cầu nối để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tăng kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, nhất là với các tập đoàn kinh tế lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh và có hiệu quả với các chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ sau dịch Covid-19.
Giữ vai trò Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, ông Thân hứa tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính với Chính phủ, Thủ tướng nhằm tạo điều kiện đầu tư - kinh doanh tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
Đặc biệt, ông đề ra mục tiêu đẩy mạnh áp dụng chính quyền điện tử, chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hướng tới hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với những doanh nghiệp start-up mang thương hiệu “Made by Thái Bình”.
Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông
Ứng cử tại quê nhà Sóc Trăng, ông Trần Khắc Tâm (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL), chia sẻ ý nghĩa quan trọng của việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri.
Nếu là đại biểu, ông hứa quan tâm đến quyền lợi sát sườn của cử tri, đồng bào tại đơn vị bầu cử; đến quyền lợi của quê hương Sóc Trăng và của khu vực ĐBSCL.
Ông Trần Khắc Tâm khẳng định sẽ phát huy lợi thế công việc để mạnh mẽ kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp bên ngoài. Ảnh: Đ.C. |
Đặc biệt, ứng viên Trần Khắc Tâm khẳng định sẽ phát huy lợi thế công việc để mạnh mẽ kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp bên ngoài, giải quyết công ăn việc làm cho bà con; tiếp tục kiến nghị chính sách bao tiêu nông sản nhằm cải thiện tình trạng được mùa rớt giá như vừa xảy ra với hành tím ở Vĩnh Châu hay ổi ở Kế Sách… nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Ông Tâm cam kết cố gắng tham mưu, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong việc tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của các nhà đầu tư nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nội tỉnh cũng như các tuyến lộ liên kết với các tỉnh lân cận.
“Tôi hứa sẽ hỗ trợ một cách nhiệt thành với khả năng của mình, để phục vụ tốt nhất cho quyền lợi của tỉnh và người dân Sóc Trăng”, ông Tâm nói.
Ông cũng khẳng định sẽ đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong bộ máy chính quyền các cấp; góp tiếng nói nhằm cải cách, đổi mới nền hành chính quốc gia, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, xây dựng Chính phủ điện tử… nhằm phục vụ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, ứng viên hứa cố gắng hết sức quan tâm đến công tác từ thiện, đặc biệt là chăm lo cho người nghèo, người có công với cách mạng bằng các nguồn tự có của doanh nghiệp cùng với vận động tài trợ từ bên ngoài.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy lợi thế liên kết vùng
Nữ doanh nhân Trần Thị Hiền là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội Nữ doanh nhân tỉnh Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Hà Nam.
Nữ doanh nhân Trần Thị Hiền cam kết nếu tiếp tục trúng cử sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: Đ.C. |
Ứng cử tại địa phương, bà Hiền cam kết sẽ thường xuyên tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng để phản ánh đầy đủ với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan.
Bà khẳng định sẽ tham gia đầy đủ các kỳ họp, có trách nhiệm với các hoạt động của Quốc hội, không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức để đóng góp có chất lượng trong hoạt động ở Quốc hội.
Là người hoạt động doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, bà Hiền cam kết nếu tiếp tục trúng cử sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Ngoài việc dành thời gian nắm bắt thực tiễn địa phương, nữ doanh nhân cam kết sẽ có trách nhiệm nghiên cứu đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chuyển, kiến nghị cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, bà sẽ đồng hành, hợp tác, chia sẻ với các doanh nghiệp trong tỉnh, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục còn bất cập đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần vào mục tiêu “Phấn đấu Hà Nam nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính”.
“Là nữ doanh nhân, việc trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ cho tôi cơ hội để tiếp tục quan tâm, theo đuổi việc hoàn thiện và thực thi các chính sách về bình đẳng giới và các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là những chính sách phúc lợi cho lao động nữ”, bà Hiền chia sẻ.