Chiều 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn các bộ, ngành Trung ương khảo sát tiến độ thực hiện nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn TP.HCM. Theo kế hoạch, dự án nút giao thông An Phú là công trình đầu tiên đoàn công tác đến kiểm tra.
Công trình nút giao An Phú đang trong giai đoạn đốn hạ, di dời hơn 1.300 cây xanh trên trục đường Mai Chí Thọ để lấy mặt bằng làm dự án.
Dự án nút giao thông An Phú có kinh phí xây dựng gần 3.500 tỷ đồng. Nơi này sẽ được xây 2 hầm chui, 2 cầu vượt tạo nên nút giao thông 3 tầng.
Trong đó, tầng (-1) sẽ có hầm chui 2 chiều, kết nối đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài gòn); hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.
Tầng (+1) có 2 cầu vượt gồm: Một cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc HLD; một cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc HLD vào đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội). Còn tầng (0) có thiết kế đảo trung tâm và tháp biểu tượng theo phương án thiết kế kiến trúc được thông qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tiến độ thực hiện dự án nút giao thông An Phú. Ảnh: Nhật Bắc. |
Công trình được ghi vốn 1.450 tỷ đồng năm 2013, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 600 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 850 tỷ.
Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt, dự án có 10 gói thầu xây lắp chính cùng các gói thầu tư vấn thiết kế, giám sát, bảo hiểm, rà phá bom mìn, vật nổ… Trong đó, 4 gói thầu xây dựng hầm chui HC1-01, hầm chui HC1-02, xây cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố được khởi công trong hôm 29/12/2022.
Các gói thầu còn lại dự kiến lần lượt triển khai trong quý II/2023 và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào 30/4/2025.
Qua đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, hỗ trợ 1.123 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương để TP triển khai dự án đầu tư mở rộng cao tốc HLD, đoạn từ nút giao An Phú đến vành đai 2.
Đây là việc cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ đưa dự án vào khai thác đồng bộ với dự án nút giao An Phú, dự án mở rộng cao tốc HLD - Long Thành - Dầu Giây (từ nút giao vành đai 2 đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu).
Nút giao thông An Phú có lượng xe cộ rất lớn, là nơi giao nhau của ba hướng giao thông quan trọng như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối về miền Đông, đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào cảng biển Cát Lái, Sài Gòn. Tuy nhiên, nơi đây hiện vẫn là nút giao đồng mức dạng ngã 5.
Dự án triển khai cấp bách nhằm tăng cường kết nối cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của thành phố. Đồng thời, nút giao cũng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực, đảm bảo giao thông thông suốt tại khu vực cửa ngõ phía đông thành phố và khu vực cảng Cát lái.
Cùng ngày, đoàn công tác của Thủ tướng cũng đến khảo sát thử nghiệm tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; thăm và dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung Bướu (cơ sở 2) và dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: Google Maps. |
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.