Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: ‘Không thể để công nhân không có nhà ở’

Nhắc lại bức xúc nhà ở của 5.000 công nhân ở Đồng Nai khi tiếp xúc, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh có quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động.

Ngày 1/7, phát biểu tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, Bộ sắp họp trực tuyến, thảo luận với các Bộ, ngành, địa phương về phát triển nhà ở.

Ông Phạm Hồng Hà nói, hiện Bộ Xây dựng và Bộ kế hoạch đầu tư (KHĐT) chưa thống nhất được với nhau về quan điểm bố trí vốn đầu tư, cách xử lý nguồn vốn…

“Sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, chúng tôi nhận được nhiều kiến nghị của hiệp hội và người dân. Họ rất mong đợi chuyện này. Bộ Xây dựng cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội có lợi ích tốt trong tình hình khó khăn như hiện nay. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo dứt điểm việc này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở, đặc biệt quanh khu công nghiệp, có cơ chế, chính sách khuyến khích DN và các thành phần kinh tế khác tham gia xây dựng nhà ở xã hội ở địa phương.

Về việc này Thủ tướng phát biểu: “Các Bộ liên quan cần quan tâm, huy động nhiều nguồn lực chứ không chỉ từ trung ương để phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân. Họ đi làm về ở nhà thuê, nhà trọ thì cần phải giải quyết ngay vì họ khó khăn lắm.

Tôi đề nghị không để công nhân không có nhà, không có nhà trẻ, không có chỗ sinh hoạt. Các địa phương phải quan tâm vấn đề này và triển khai sớm”.

Thủ tướng nhắc lại lần gặp 5.000 công nhân ở Đồng Nai, họ kiến nghị vấn đề này rất “nặng nề”. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh có quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động để họ có cuộc sống lành mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu tối thiểu tốt hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP 

Khai thác thị trường Trung Quốc

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng thấp hơn so với kế hoạch – chỉ đạt 5,9%. Nhưng so với các nước, khác, con số đó đã là “tích cực” bởi nhiều nước còn tăng trưởng âm.

“Ngay cả các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ…độ âm cũng lớn. Ấn Độ xuất khẩu âm hơn 10%”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn chứng.

Bộ trưởng nhận định, từ nay tới cuối năm, tình hình kinh tế và thương mại thế giới có thể còn khó khăn hơn nếu không nói là có đột biến, ảnh hưởng tới giá cả nhiên liệu, giá các loại nông thủy sản.

“Nếu ta quyết liệt khai thác thị trường mới và tiềm năng cũng như truyền thống thì khả năng sẽ đạt được 8% tăng trưởng xuất khẩu”, Bộ trưởng nhận định.

Theo Bộ trưởng Công Thương, việc cần làm tới đây là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), mở rộng sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận thị trường nước ngoài.

Ông nhấn mạnh: “Nếu ta không cải thiện cách tổ chức sản xuất sẽ khó nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và thị phần. Hiện nông sản, hàng hóa của ta vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nên phải đặt lại vấn đề tiếp cận và khai thác thị trường, tiếp cận các thị trường lớn nhiều tiềm năng như châu Âu, Mỹ…”.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng thị trường Trung Quốc tiềm năng cho xuất khẩu nông thủy sản, công nghiệp và dân dụng. Vừa qua, Bộ đã điều chỉnh cơ bản nhiều thông tư, tạo thuận lợi tối đa cho DN khai thác thị trường này.

Tuy vậy, Bộ trưởng này cho rằng công nghiệp chưa đạt yêu cầu với tốc độ tăng trưởng 7,5%, thấp hơn so với năm trước (9%) trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo nếu tăng trưởng tốt sẽ là nền tảng để tăng trưởng chung và tăng GDP.

Về việc này, Thủ tướng cho rằng xuất khẩu là kênh quan trọng nhất cho tăng trưởng.

“Việt Nam có điều kiện rất tốt cho xuất khẩu, nhất là trong năm nay. Bộ Công Thương cần có chuyên đề để 6 tháng cuối năm đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa nhất là các ngành hàng thế mạnh của ta.

Một số ngành hàng, lĩnh vực quan trọng như công nghiệp chế biến chế tạo tại sao lại bị sụt giảm như vậy? Bộ cần phải tính toán lại bài bản, hệ thống hơn để xốc lại cái này”, Thủ tướng phát biểu.

Giao quyền cấp phép công trình trọng điểm cho địa phương

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đề cập nhiều tới việc cấp phép xây dựng.

Năm 2015, theo Bộ Xây dựng, chỉ số cấp phép xây dựng không có sự cải thiện, thời gian kéo dài gây khó khăn, bức xúc và lúng túng cho DN.

“Bộ Xây dựng và bộ ngành liên quan đang tiến hành rà soát để giảm thiểu thời gian cấp phép xây dựng. Nhiều tỉnh đang rất quyết liệt trong chuyện này như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương… Họ giảm thời gian cấp phép từ 30 ngày xuống còn 20 ngày và chúng tôi cũng đang đề xuất với Chính phủ như vậy”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Trước thực trạng nhiều địa phương ý kiến nhiều công trình phải xin Bộ Xây dựng cấp phép quá, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, tới đây sẽ phân cấp ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố cấp giấp phép cả công trình trọng điểm và công trình cấp 1.

“Bộ không cấp giấy phép ở các lĩnh vực đó nữa. Chủ tịch UBND được quyết định cơ quan chuyên môn, với tất cả công trình loại 2 trở xuống, công trình ngành dọc thì cũng phân cấp cho UBND địa phương. Nếu được phê duyệt, quy định trên sẽ giúp giảm tới 70% hồ sơ mang về Bộ xây dựng so với hiện nay, đó là sự phân cấp mạnh dạn”, Bộ trưởng khẳng định.

Có xử nghiêm sai phạm ở 8B Lê Trực?

Nói về trật tự xây dựng, trước đó, ngày 30/6, Thủ tướng đã bức xúc đặt câu hỏi cho lãnh đạo TP Hà Nội: “Vụ nhà 8B Lê Trực các đồng chí có xử lý nghiêm không, Hà Nội có đập nghiêm túc sai phạm ở chỗ này được không, hay cứ để trơ trơ như thế?”.

Thủ tướng cho rằng những vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải xử lý nghiêm để làm gương. Thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội, nhưng trước hết phải là cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính. Nếu cán bộ, công chức mà thiếu kỷ cương, lộn xộn, thì không thể chấp nhận được.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết đến nay TP đã chỉ đạo phá dỡ 238 m2 sàn ở tầng 19, nhưng chủ đầu tư chậm trễ trong tháo dỡ.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Vi phạm đã kéo dài quá lâu rồi, tôi đã nghe đồng chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo là chủ công trình này này đã mấy chục lần vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa xử lý hình sự”.

Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Hà Nội báo cáo vụ nhà 8B Lê Trực

Trong văn bản lần thứ 3 về xử lý sai phạm tại dự án số 8B Lê Trực (quận Ba Đình), Thủ tướng yêu cầu Hà Nội kiên quyết với các sai phạm tại đây.

Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm