Chiều 13/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII của Đảng”.
Với vai trò Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Thủ tướng muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học góp ý về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây là 2 văn kiện mà Tiểu ban đang tích cực xây dựng, hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương tới đây.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn từ góc nhìn khách quan, các nhà khoa học sẽ đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về cả lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực.
"Ung thư văn hóa"
GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện thông tin khoa học xã hội nhắc quan điểm của một học giả cho rằng hiện nay là giai đoạn “ung thư văn hóa”, minh chứng là việc con người tha hóa, đạo đức xuống cấp, văn hóa lệch lạc...
Theo ông, Đảng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái, nhưng có lẽ việc này bộc lộ rõ nhất qua hàng loạt đại án vừa xảy ra, cùng với đó, từ tướng tá công an, quân đội, đến cả Ủy viên trung ương, Bộ Chính trị đều có những sai phạm nghiêm trọng, gây tổn hại cho đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà khoa học để lắng nghe ý kiến đóng góp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VGP. |
Biểu hiện của đạo đức xuống cấp cũng bộc lộ ở việc những giá trị ảo đang được đặt lên để thay thế cho những giá trị thật của xã hội.
Về văn hóa, ông nhắc đến tính xấu của con người, đó là sự giả dối được bộc lộ trong mọi mặt, mọi quan hệ xã hội. Dẫn chứng, GS.TS Hồ Sỹ Quý nhắc đến sự giả dối trong giáo dục, y tế khi xảy ra “hết sự cố này đề sự cố khác”.
“Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói giáo dục hết khủng hoảng rồi, nhưng thực tế là vẫn lòng vòng trong khủng hoảng. Y tế thì nói 2 năm nay trở nên tuyệt vời rồi, nhưng sự giả dối vẫn bộc lộ trong quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh khi họ phải bỏ tiền ra để mua đủ loại dịch vụ”, ông Quý dẫn chứng và nhắc đến cả sự khủng hoảng lòng tin trong lĩnh vực tôn giáo, biểu hiện bằng các hiện tượng mê tín dị đoan.
Vị GS.TS. này cũng đánh giá khi gặp phải những hiện tượng trên, chúng ta cho thấy rõ sự bối rối trong xử lý, không biết bắt đầu từ đâu. Như ngay khi xảy ra gian lận thi cử, cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau trong việc công bố danh tính người gian lận.
Theo ông, vấn đề là do lòng dân không yên. Ông nhấn mạnh văn hóa con người là nền tảng, mất nền tảng ấy là mất hết; vì vậy cần đưa văn hóa thành một điểm đột phá chiến lược của Đại hội XIII.
Nguyên nhân phát sinh tham nhũng
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nêu vấn đề đổi mới kinh tế hơn 30 năm, nhưng hệ thống chính trị lại chưa có đổi mới nào quan trọng, vẫn tồn tại cơ chế chủ yếu xin - cho, quyền lực không được kiểm soát, tham nhũng tràn lan.
“Nếu không có cơ chế giải quyết những vấn đề đó thì không thể phát triển được”, ông nói.
Đồng ý với nhận định coi kinh tế tư nhân là một phần quan trọng, nhưng theo ông Lược, ở Đại hội tới, cần xem đây là động lực cơ bản. “Vậy, chúng ta có dám thay đổi đột phá không”, vị chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Quang Hiếu. |
Ông đề nghị nâng cao tỷ trọng kinh tế tư nhân, bởi chúng ta vẫn giữ một tỷ trọng lớn kinh tế quốc doanh, mà không một nước phát triển nào lại có tỷ lệ kinh tế quốc doanh lớn như vậy. Việc này từ nhiệm kỳ của Tổng bí thư Đỗ Mười đã được cảnh báo.
Minh chứng cho quan điểm của mình, ông nhắc đến việc nhiều cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý vừa qua đều là những chủ doanh nghiệp Nhà nước lớn. Theo ông, tỷ trọng “lệch” quá nhiều giữa kinh tế tư nhân và kinh tế quốc doanh chính là nguyên nhân phát sinh tham nhũng, xâu xé lợi ích.
Sau khi lắng nghe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các nhà khoa học.
Người đứng đầu Chính phủ muốn nhấn đến việc xã hội có rất nhiều điểm sáng. Ông cho rằng chúng ta cần nhìn với gam màu tươi sáng hơn, bởi khi mở cửa cũng không tránh khỏi “xảy ra chuyện này, chuyện khác”.
Thủ tướng đồng tình với quan điểm cho rằng xã hội đang xuất hiện nhiều nguy cơ, và ta cần có hướng khắc phục. Trong đó có nguy cơ hiện hữu là sự tụt hậu. Nếu ta không tự vươn lên, không có khát vọng thì sẽ bị tụt lại phía sau.
Tiếp thu các ý kiến, Thủ tướng khẳng định sẽ luôn chủ động, không để “nước đến chân mới nhảy”, không để mất dân, mất niềm tin, mất chế độ, phải sửa cái sai và những cái còn khiếm khuyết.
Đặc biệt, phải giữ gìn văn hóa, đạo đức, nâng cao năng lực để không bị tụt hậu, bởi chúng ta đã phải đánh đổi rất nhiều để xây dựng được đất nước như hôm nay.