Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế, đồng thời đưa ra một số phương hướng nhằm thúc đẩy hiệu quả quản lý và hợp tác tại sông Mekong.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Uỷ hội Sông Mekong quốc tế (MRC) từ ngày 4-5/4 tại Siem Reap, Campuchia.

Với chủ đề “Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong”, Hội nghị có sự tham gia của các thủ tướng của bốn nước thành viên Uỷ hội là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Cùng tham dự Hội nghị có bộ trưởng bộ Tài nguyên nước Trung Quốc và bộ trưởng Môi trường Myanmar, hai nước đối tác đối thoại của Uỷ hội, cùng nhiều đại diện của các đối tác phát triển khác.

Thu tuong du Hoi nghi Uy hoi Mekong anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Tiến Tuấn.

Hội nghị tập trung rà soát tình hình hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội, thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị cấp cao lần thứ hai từ năm 2014 tại TP.HCM và xác định các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất cho rằng Uỷ hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như thông qua và triển khai Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2016-2020, hoàn thành nghiên cứu về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mekong, góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông.

Ủy hội cũng đã cải tổ bộ máy Ban Thư ký theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thống nhất công thức đóng góp niên liễm hàng năm của các quốc gia thành viên theo hướng đều nhau và hướng đến mục tiêu Ủy hội tự chủ về tài chính vào năm 2030, mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế trong khu vực, đặc biệt là ASEAN.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mekong mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực.

Các nước cũng nhất trí áp dụng bộ các thủ tục của Uỷ hội về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mekong, nhất trí Uỷ hội cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc định hướng hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo cũng thống nhất tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mekong - Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siem Reap ghi nhận các thành quả của Ủy hội đạt được, chỉ ra những thách thức và cơ hội mới đối với lưu vực sông Mekong, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mekong và việc tăng cường hiệu quả thực hiện Hiệp định Mekong 1995, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ Uỷ hội.

Trên cơ sở đó, Tuyên bố đề ra các lĩnh vực hoạt động ưu tiên của Uỷ hội thời gian tới gồm có việc tận dụng tốt các cơ hội phát triển và xử lý các thách thức thông qua một tiến trình chung của cả lưu vực, có tính tổng thể, bao trùm và đa ngành, thực hiện các khuyến nghị chính của báo cáo Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm tác động của các dự án thuỷ điện dòng chính, thực hiện tất cả các thủ tục của Uỷ hội nhằm sử dụng nguồn nước một cách bền vững, hợp lý và công bằng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc khai thác bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên khác có liên quan trên lưu vực sông Mekong là cơ hội, nhưng cũng là thách thức và trách nhiệm của tất cả các nước.

Thủ tướng nhấn mạnh quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là ứng phó với các tác động tiêu cực đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan và hoạt động của con người.

Về các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Uỷ hội cần tập trung ưu tiên tăng cường việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và vai trò giám sát, điều phối của Uỷ hội trong triển khai thực hiện các cam kết của các quốc gia thành viên.

Thủ tướng đề xuất xây dựng khung quy hoạch phát triển lưu vực nhằm hài hoà quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia và thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác chung, tăng cường chia sẻ thông tin số liệu trong lưu vực sông Mekong và đẩy mạnh các hoạt động điều phối, hợp tác với các nước đối tác đối thoại, đối tác phát triển và các tổ chức quản lý lưu vực sông xuyên biên giới khác nhằm huy động nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ kỹ thuật hiện đại trong triển khai các sáng kiến hợp tác tiểu vùng.

Để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao, Uỷ hội đã tổ chức Hội thảo quốc tế trong hai ngày 2-3/4 và Hội nghị Bộ trưởng ngày 4/4. Tham dự Hội nghị Bộ trưởng, ngoài Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Sông Mekong quốc gia còn có các đại diện của hai nước đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ và Ban Thư ký Uỷ hội sông Mekong quốc tế.

Thành công của Hội nghị Cấp cao lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tinh thần hợp tác, sự gắn bó lâu đời giữa các quốc gia trong lưu vực trong quản lý và sử dụng bền vững sông Mekong.

Uỷ hội sông Mekong quốc tế được thành lập từ năm 1995, là tổ chức khu vực duy nhất có chức năng xây dựng khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Từ năm 2010, Uỷ hội bắt đầu họp Hội nghị Cấp cao định kỳ bốn năm một lần, luân phiên tại các quốc gia thành viên và đều vào ngày 5/4 là ngày ký Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995 (thường gọi là Hiệp định Mekong 1995). Hội nghị cấp cao lần thứ nhất được tổ chức năm 2010 tại Hua Hin, Thái Lan và Hội nghị Cấp cao lần thứ hai được tổ chức năm 2014 tại TP.HCM, Việt Nam.

Tiểu vùng Mekong mở rộng thông qua 222 dự án, tổng trị giá 65 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Hội nghị Thượng đỉnh GMS-6 đã thành công tốt đẹp, thông qua hơn 222 dự án với trị giá 65 tỷ USD, hướng tới phát triển vì lợi ích của người dân.

Tiểu vùng Mekong là cực tăng trưởng năng động của châu Á

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng Tiểu vùng Mekong mở rộng, từ một khu vực nghèo, đã trở thành một cực tăng trưởng của châu Á với các nền kinh tế năng động.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm