Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Đẩy vốn tín dụng vào đúng chỗ để tạo động lực tăng trưởng

Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh, cần đẩy dòng vốn tín dụng, tiền ngân sách đi vào đúng chỗ để tạo động lực tăng trưởng mới.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc huy động và tập trung các nguồn lực trong nước để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tài chính ngân sách năm 2021 diễn ra ngày 6/1.

Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ cho biết năm 2021, tình hình dịch bệnh trong nước ghi nhận diễn biến phức tạp với 2 đợt dịch bùng phát kéo dài. Trong khi đó, khi chưa có đủ vaccine, thuốc chữa, chưa đủ thông tin về biến chủng mới, năng lực y tế còn hạn chế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở, nhiều địa phương đã bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.

Điều này đã ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vẫn còn những hạn chế

Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các địa phương đã rút ra công thức, phương châm phòng chống dịch, cộng với độ bao phủ vaccine, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu qủa dịch Covid-19. Qua đó, tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội.

Trong năm 2021, Thủ tướng cho biết nhờ việc chuyển hướng chiến lược kịp thời, GDP quý IV đã ghi nhận tăng trưởng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý liền trước. Tính chung cả năm, GDP cả nước tăng 2,58%, cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, một loạt chỉ tiêu tài khóa và tiền tệ đều đạt kế hoạch như lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá ổn định; đồng Việt Nam tăng giá; dự trữ ngoại hối tăng 10% và bội chi ngân sách dưới 4% GDP.

“Các cân đối lớn cũng được bảo đảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, các chỉ tiêu này đều có dư, năng lượng được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi rất nhanh sau khi bị đứt gãy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu tuong chi dao tai hoi nghi Bo Tai chinh anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tài chính ngân sách năm 2021. Ảnh: BTC.

Bên cạnh những kết quả tích cực kể trên, Thủ tướng cho biết vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế của ngành tài chính trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Bao gồm sức ép lạm phát cao, nhất là chi phí đầu vào, logistics; vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp; vốn đầu tư công giải ngân chậm; thu ngân sách tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao; nhiều khoản thu tăng nhưng chưa bền vững như chứng khoán, bất động sản, dầu thô...

Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại gồm xây dựng dự toán đã sát tình hình nhưng cần có giải pháp hạn chế rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu; áp lực thâm hụt ngân sách tăng; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 18%; nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng.

Trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, nhất là những lĩnh vực ưu tiên, Thủ tướng cho biết có nhiều lĩnh vực liên quan hoặc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính như cổ phần hóa, đầu tư công, xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém.

Ngoài ra, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, tiền tệ vẫn chứa đựng nhiều rủi ro.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra hạn chế trong công tác tham mưu của ngành tài chính, nhất là dự báo, tham mưu chiến lược để không bị động, bất ngờ liên quan tới tài chính ngân sách, quản lý về giá cả, nhất là xử lý các tình huống không bình thường.

Đẩy vốn tín dụng, tiền ngân sách vào đúng chỗ

Thủ tướng nhấn mạnh cần phân bổ thu chi hợp lý, khen thưởng, kỷ luật để khuyến khích các địa phương trong thu ngân sách và có chính sách để phân bổ nguồn lực cho các địa phương công bằng, minh bạch.

“Phải có chính sách khuyến khích thu, có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt. Tránh tình trạng địa phương có thể thu nhiều hơn nhưng lại không muốn thu để không bị áp dự toán thu năm sau cao hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong năm 2022, Thủ tướng dự báo tình hình kinh tế có thời cơ và thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn, đặc biệt là những khó khăn nội tại kéo dài nhiều năm.

Thu tuong chi dao tai hoi nghi Bo Tai chinh anh 2

Thủ tướng yêu cầu đẩy dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Ảnh: Việt Linh.

Bên cạnh các giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra, Thủ tướng nhấn mạnh cần có thêm một số giải pháp để hoàn thành tốt kế hoạch tài chính ngân sách năm nay.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến địa phương, các bộ ngành, đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, ngành tài chính cần phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, các chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy nhau, tránh lợi ích cục bộ, mâu thuẫn, cản trở giữa các chính sách.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính có biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, đồng thời phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế.

“Hành động làm sao để dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập để làm tốt hơn công tác quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, chống tiêu cực. Tập trung thực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và tận dụng thời cơ thị trường thuận lợi để đẩy nhanh quá trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phải tăng cường quản lý giá, thị trường; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường nhất là trong các dịp lễ, Tết; phối hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát trong phạm vi mục tiêu Quốc hội quyết định (CPI tăng 4%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bài liên quan

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm