Đây là số liệu được lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 diễn ra sáng nay (6/1).
Cụ thể theo lãnh đạo cơ quan quản lý tài khóa, tổng thu ngân sách Nhà nước năm vừa qua ước đạt 1,563 triệu tỷ đồng, bằng 116,4% so với dự toán đề ra đầu năm. Thay đổi này tương đương với việc số thu ngân sách năm nay đã vượt 219.900 tỷ đồng so với dự toán.
Nếu so với số thực hiện năm 2020, mức thu năm nay cũng cao hơn 3,7%, tương đương gần 56.000 tỷ.
Trong đó, mức tăng thu chủ yếu đến từ dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu và tiền sử dụng đất.
Bộ Tài chính cho biết các khoản thu từ thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm vừa qua cũng vượt 14,5% so với dự toán và tăng 11,3% so với năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước đạt 18,6% GDP, vượt mục tiêu 15,5% đề ra trước đó.
Riêng thu ngân sách trung ương ước vượt 6,7% dự toán và thu ngân sách địa phương vượt 28,2% dự toán.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ đã đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân.
SỐ LIỆU THU CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HÀNG NĂM | |||||||||
Nguồn: Bộ Tài chính; Tổng hợp | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
Tổng thu | tỷ đồng | 863520 | 911100 | 1407572 | 1212180 | 1431662 | 1553611 | 1507800 | 1563300 |
Tổng chi | 1087520 | 1147100 | 1574448 | 1390480 | 1435435 | 1526893 | 1787950 | 1879000 |
Kết quả, đã có khoảng 119.400 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm giãn trong năm vừa qua. Trong đó, số đối tượng được hưởng hỗ trợ là gần 120.000 doanh nghiệp và 20.000 hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Nếu tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16.800 tỷ đồng, cùng với hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38.000 tỷ đồng, tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm vừa qua lên tới 174.200 tỷ đồng.
Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác quản lý thu; xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh các giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Qua đó, góp phần làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu năm vừa qua lên mức 668,5 tỷ USD, trong đó thị trường xuất siêu 4 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính cho biết số chi ngân sách năm 2021 ước đạt 1,879 triệu tỷ đồng, vượt 11,4% dự toán.
Trong đó, các nhiệm vụ chi năm vừa qua cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, bao gồm ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch là 74.000 tỷ đồng. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ xuất cấp 141.970 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch ở 33 địa phương.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ này cho biết riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2021 thì chậm hơn năm liền trước. Tính đến hết ngày 31/12/2021, tốc độ giải ngân mới đạt 74,7% dự toán và đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng giao, trong khi năm 2020 đạt 82,66%.
Với cân đối thu chi như trên, ngân sách Nhà nước ghi nhận bội chi 315.700 tỷ đồng. Tuy vậy, mức bội chi này vẫn dưới 4% GDP.
Cũng trong năm vừa qua, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành được 318.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 13,92 năm và lãi suất bình quân chỉ là 2,3%/năm.