Chiều 28/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 28 tỉnh ven biển. Cùng tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Đạt nhiều kết quả được EC ghi nhận
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) sau 4 đợt thanh tra; kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục, các công việc chưa hoàn thành; xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới (đợt thanh tra lần thứ 5 của của EC dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024).
Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, sau gần một năm từ đợt thanh tra lần thứ 4 của EC (tháng 10/2023) và 7 năm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC, Việt Nam đạt được nhiều kết quả được EC ghi nhận, nhiều nội dung EC chỉ ra và yêu cầu đã được khắc phục.
Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW (ngày 10/4/2024) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU. Chính phủ có Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 ban hành Chương trình hành động và kế hoạch triển khai Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, giao cụ thể những nhiệm vụ, thời gian hoàn thành, kết quả đạt được cho từng bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện.
Nhờ đó, kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả cụ thể. Khung pháp lý đã được hoàn thiện theo khuyến nghị của EC. Công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá được tăng cường. Việc thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác từ sau đợt thanh tra lần 4 đến nay đã được rà soát, thực hiện chặt chẽ hơn trước. Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó đã khởi tố 11 vụ hình sự, đang điều tra 3 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, tới nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, công việc chậm hoàn thành liên quan tới quản lý đội tàu, thực thi pháp luật, kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), tình trạng vi phạm khai thác bất hợp pháp.
Điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm khắc 100% các vụ việc
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến về những kết quả đã đạt được và những tồn tại, hạn chế.
Phân tích sâu về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, Thủ tướng nhấn mạnh phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, các cơ quan, các địa phương nếu không thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chống khai thác IUU, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát…
Chỉ rõ mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của Đoàn Thanh tra của EC dự kiến vào tháng 10/2024, Thủ tướng cũng khẳng định mục tiêu chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng đã có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, các lực lượng chức năng, cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tinh thần yêu nước, thương dân, thống nhất nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, với 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, giám sát, quản lý chặt chẽ các đội tàu, không để vi phạm IUU và dứt điểm xử lý tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); thứ hai, rà soát, phân loại, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, vi phạm hình sự thì xử lý hình sự; thứ ba, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử lý nếu vi phạm.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các nội dung, nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW, Nghị quyết số 52/NQ- CP của Chính phủ; triển khai thực hiện có hiệu quả, vừa tuyên truyền, vận động, vừa áp dụng triệt để quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các địa phương điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm khắc 100% các vụ việc liên quan đến đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, môi giới, móc nối và các hành vi vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP.
Bộ NN&PTNT (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU) tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, báo cáo kịp thời kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; tham mưu, đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có liên quan không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung tổng thể làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5; chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo tốt nhất, không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của cả nước.
Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước... ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; kiên quyết kỷ luật nghiêm các đồn, trạm biên phòng tuyến biển để tàu cá không đủ điều kiện xuất, nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản, các lực lượng chức năng trực thuộc dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử các tổ chức, cá nhân liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác để vi phạm khai thác bất hợp pháp. Chủ trì, phối hợp với các địa phương có liên quan tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu được EC phát hiện tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo đại sứ quán Việt Nam tại các nước có liên quan kịp thời thu thập thông tin nước sở tại bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam do vi phạm khai thác bất hợp pháp, cung cấp kịp thời cho lực lượng chức năng trong nước điều tra, xử phạt nghiêm theo quy định.
Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, tham mưu bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với Chi cục trưởng các Chi cục thuộc Sở NN&PTNT có chức năng quản lý nhà nước về thủy sản hoặc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm ngư theo quy định của pháp luật, hoàn thành, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành, địa phương có liên quan làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các đơn vị cung cấp thiết bị VMS, cung cấp dịch vụ vệ tinh cho thiết bị VMS trên tàu cá không đảm bảo theo quy định; nếu do lỗi của đơn vị cung cấp phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) cho người dân.
Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục ưu tiên, bố trí kinh phí, nguồn vốn theo quy định cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng", phát triển bền vững ngành thủy sản.
Rà soát toàn bộ các vụ việc vi phạm, kiên quyết xử phạt dứt điểm
Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo hoàn thành một số nhiệm vụ.
Theo đó, rà soát toàn bộ các vụ việc vi phạm khai thác IUU từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay, trước hết tập trung các vụ việc ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài...; tiếp tục điều tra, xác minh, kiên quyết xử phạt dứt điểm các trường hợp vi phạm; hoàn thành, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 9/2024.
Tập trung tối đa nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện), điều động, tăng cường lực lượng tại địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) tại các địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, công an vừa tuyên truyền, vận động, vừa kịp thời ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định vi phạm, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Các tỉnh tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan; hoàn thành, báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 9 năm 2024.
Khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho tàu cá, xử lý dứt điểm tàu cá "03 không"; xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan chậm trễ trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá theo quy định.
Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác; kiên quyết xử lý trách nhiệm Ban quản lý cảng cá, Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra vào cảng, bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác mà không xác minh, xử lý theo quy định.
Tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Với các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp thủy sản nghiêm túc thực hiện quy định về chống khai thác IUU; nghiêm cấm hành vi thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU; nghiêm cấm hành vi móc nối với các tổ chức, cá nhân có liên quan hợp thức hóa hồ sơ cho các sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm IUU để xuất khẩu sang thị trường châu Âu; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi IUU.
Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục đồng hành, tích cực vận động hội viên gương mẫu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU; kịp thời động viên các tấm gương điển hình, người tốt việc tốt; kịp thời phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm khai thác IUU.
Thủ tướng cũng lưu ý, cùng với thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cần đẩy mạnh chăm lo, hỗ trợ việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, như chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng hải sản…; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, thực hiện trách nhiệm với đất nước, quê hương và với chính mình, tránh vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, tránh vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà quên đi lợi ích chung, việc cương quyết xử lý vi phạm, chống khai thác hải sản bất hợp pháp là vì lợi ích của chính ngư dân và đất nước. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan báo chí-truyền thông Trung ương và địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn trong tăng cường tuyên truyền, vận động người dân.
Các ban, bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chuẩn bị kế hoạch kỹ chương trình, nội dung, kế hoạch làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5; chuẩn bị kỹ các phương án tốt nhất, không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của cả nước; bảo đảm việc đón và làm việc với đoàn thanh tra đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ "Thẻ vàng" IUU.
"Nếu địa phương nào không có sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trong thời gian tới, tiếp tục để xảy ra các sai phạm, không hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.
Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil phát triển lên tầm cao mới
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ vui mừng về quan hệ Việt Nam - Brazil ngày càng phát triển, trong đó có quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng tại Brazil.
Tổng Bí thư: Cán bộ chiến lược phải đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là mô hình mẫu cho việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước.
ĐBQH: Doanh nghiệp đầu tư 1 tỷ nhưng phòng cháy mất 2-3 tỷ đồng
Đại biểu Quốc hội nêu thực tế có doanh nghiệp chỉ đầu tư 1 tỷ đồng nhưng để đáp ứng đủ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy phải mất 2-3 tỷ đồng.