Phát biểu tại Hội nghị ngành Tài nguyên và Môi trường sáng 8/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra những nhận định về công tác quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2018. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế xã hội có mức tăng trưởng vượt bậc, ngành môi trường đã gặp phải những khó khăn và thách thức nhất định.
Các vấn đề tồn tại tích tụ từ trước như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững dựa vào tài nguyên, nhân lực giá rẻ, thâm dụng vào môi trường, suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên, khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp. Vấn đề về rác thải nhựa, xử lý rác thải, đất đai, tài nguyên rừng vẫn chưa được quản lý một cách hệ thống.
“Năm qua, nhiều địa phương đã xảy ra các vụ việc nóng liên quan đến việc quản lý đất, tài nguyên rừng. Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp để đề xuất những chính sách quản lý phù hợp cho hạng mục này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2019. Ảnh: Mỹ Hà |
Tại Hội nghị, một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Các vấn đề xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên cần được triển khai tích cực, song hành cùng với phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, "biến đổi khí hậu" trở thành từ khóa quan trọng của ngành Tài nguyên Môi trường trong nhiều năm qua. Sự cố về môi trường biển gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung, đặt ra những thách thức to lớn về an ninh môi trường. Bên cạnh đó, hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long.
"Các đơn vị quản lý cần có sự quan tâm đặc biệt tới bài toán biến đổi khí hậu trong năm 2019. Ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng ta cũng cần huy động nhiều bộ ngành khác để truyền thông và lên kịch bản chỉ đạo ứng phó với vấn đề này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà có báo cáo tổng kết hoạt động năm 2018 và các chỉ tiêu đề xuất năm 2019 của ngành tài nguyên môi trường. Ảnh: Mỹ Hà |
Ngoài những khó khăn và tồn tại, Hội nghị cũng đã nhìn nhận những chuyển biến tích cực của ngành môi trường trong năm 2018. Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng ngành đã có những đổi mới tích cực khi ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý môi trường.
Nhiều trạm quan trắc không khí và quan trắc nguồn nước được đặt tại các địa phương, đáp ứng công tác dự báo thời tiết phục vụ bà con canh tác. Ngoài ra, hệ thống dự báo thời tiết cũng được đổi mới hiện đại, thông tin dự báo chính xác, góp phần giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
“Trong năm 2019, chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường là tạo đột phá trong thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Các chỉ tiêu chính ngành TN&MT đề ra trong năm 2019:
- 100% KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường;
- 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý;
- 2% thu ngân sách nội địa là từ đất đai, có cơ chế giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; hoàn thành sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp;
- 62% hồ chứa quan trọng trên các lưu vực sông vận hành theo cơ chế phối hợp liên hồ;
- 55% số trạm quan trắc KTTV được tự động hóa; xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL kết nối liên vùng;
- 28% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản với tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 70% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản với tỷ lệ 1:50.000.